Tay trắng gầy dựng cơ nghiệp, từ chàng trai gốc Hà Nội 16 năm đàn hát, ông Hoàng Khải đã trở thành “vua tơ lụa” với tài sản khổng lồ. Bước ngoặt cuộc đời của doanh nhân triệu đô là cú dấn thân mạo hiểm từ Hà Nội vào Sài Gòn lập nghiệp cách đây 20 năm.
Mới đây, doanh nhân Hoàng Khải chia sẻ cú mạo hiểm trong tính toán của mình để có thể sở hữu khối tài sản khổng lồ như hiện nay: “Cách đây 20 năm, khi còn sống ngoài Hà Nội, tôi đã thành công và có một cuộc sống khá thú vị. Nhưng tôi sẽ không có cơ hội để trở thành Hoàng Khải như bây giờ nếu như không vì cú dấn thân mạo hiểm vào Sài Gòn lập nghiệp, bỏ lại đằng sau những thành công nhỏ bé nơi mình đã sinh ra. Vì biết đâu trong cuộc sống đi tìm tương lai cho mình, nó vẫn còn rộng mở và đền đáp lại những gì mình đã hy sinh”.
Bỏ học Nhạc viện theo nghiệp kinh doanh
Gia đình ông Hoàng Khải từng sống tại phố Hàng Gai, Hà Nội, nay cũng là nơi đặt chi nhánh của tập đoàn Khải Silk.
Vốn là con trai cả trong gia đình 3 anh em trai, ông Hoàng Khải sớm phụ giúp bố mẹ, chuyển việc kinh doanh của gia đình từ cửa hàng thêu thành cửa hàng chuyên bán hàng lưu niệm làm từ tơ lụa cho khách du lịch khi đến Hà Nội.
Trong một dịp được ra nước ngoài, thấy được sự phát triển của các nước như Thái Lan, Singapore, ông Khải muốn xây dựng cửa hàng tơ lụa của gia đình trở nên bài bản, sang trọng.
Năm 25 tuổi, ông quyết định bỏ học Nhạc viện và thành lập cửa hàng Khải Silk đầu tiên trên phố Hàng Gai. Là người đi tiên phong, ông Hoàng Khải nhanh chóng gặt hái thành công kéo theo sự phát triển khu phố Hàng Gai, Hàng Bông thành nơi tập trung nhiều cửa hàng lưu niệm tơ lụa tại Hà Nội.
Định vị theo phân khúc cao cấp, những sản phẩm của Khải Silk đều do chính ông Khải thiết kế và thuê gia công từ làng lụa Vạn Phúc hoặc Đà Nẵng.
Ngoài việc phát triển chuỗi cửa hàng độc lập, ông Hoàng Khải còn mở thêm các cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm tại các khách sạn 5 sao nhắm tới khách du lịch có tiền. Khải Silk trở thành một trong những thương hiệu có tên tuổi tại Hà Nội.
Cửa hàng Khải Silk tại InterContinental Danang Sun Peninsula Resort
Doanh nhân nổi tiếng nhớ lại: “Lúc đó nhà còn nghèo lắm, một lần vô tình nghe một người bạn nước ngoài làm việc và sống tại Hà Nội hỏi chuyện, muốn tìm mua lụa tơ tằm mang về nước làm quà để tặng người thân, vì những năm 80 ở Hà Nội, rất khó có thể tìm được những món quà có ý nghĩa”.
Khi đó, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu Hoàng Khải: “Tại sao không đi tìm những nơi sản xuất lụa tơ tằm về, để mở cửa hàng bán cho những người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam và khách du lịch?”.
Từ tơ lụa đến kinh doanh bất động sản, nhà hàng cao cấp
Thương hiệu Khải Silk thành công trên thị trường tơ lụa cao cấp giúp ông HoàngKhải tích lũy vốn và bắt đầu mua bất động sản tại Hà Nội và những nơi khác.
Vị doanh nhân này khá có duyên trong việc kinh doanh bất động sản khi đầu tư vào một trong những resort nghỉ dưỡng cao cấp tại Hội An vào những năm cuối thập niên 90 là Hội An Riverside Resort. Vài năm sau, ông Hoàng Khải bán lại và thu lời khi khách sạn này kinh doanh thành công.
Năm 2000, ông chủ Tập đoàn Khải Silk quyết định Nam tiến khi chuyển hoạt động kinh doanh vào TP.HCM. Tiếp tục đầu tư vào bất động sản, ông Khải sớm nhìn thấy tiềm năng của khu Phú Mỹ Hưng. Bằng vốn tích lũy khi còn ở Hà Nội, ông Hoàng Khải bắt đầu mua đi bán lại hàng chục căn hộ tại khu đô thị này và kiếm bộn tiền khi thị trường bất động sản đạt đỉnh cao giai đoạn 2006-2007.
Từ đầu tư bất động sản, ông Khải bắt đầu mở rộng sang đầu tư nhà hàng cao cấp khi đi ra các nước và nhận thấy Việt Nam lúc bấy giờ chưa có nhà hàng nào thực sự đẳng cấp. Nhà hàng cao cấp đầu tiên do Hoàng Khải xây dựng là Au Menoir de Khai trên đường Điện Biên Phủ, dù rất đẹp nhưng phải đến 2-3 năm sau mới có khách.
Trên cơ sở mối quan hệ kinh doanh vốn có với khu đô thị Phú Mỹ Hưng trước đây, ông Khải thuyết phục ban lãnh đạo cho thuê mặt đất với giá thấp để xây dựng nhà hàng cao cấp tại đây.
Cũng với định vị cao cấp, phía Phú Mỹ Hưng hợp tác cùng Hoàng Khải và nhà hàng phong cách Trung Quốc Ming Dynasty được hình thành. Tiếp theo đó là biệt thự theo kiến trúc hồi giáo mà doanh nhân này thường gọi là lâu đài Tajmasagon cũng được mọc lên sừng sững tại khu đô thị này.
Lâu đài Tajmasagon tại Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM
Ngoài hai nhà hàng kể trên, tập đoàn này còn sở hữu những nhà hàng cao cấp khác như Nam Phan chuyên ẩm thực Việt Nam, Cham Charm, London Steak House, Khai’s Brothers…
Không chỉ kinh doanh nhà hàng, tơ lụa truyền thống với thương hiệu Khaisilk, tập đoàn Khải Silk còn khai thác TajmaSago làm resort và sở hữu một trung tâm thương mại cao cấp có tên Saigon Paragon.
Ông Hoàng Khải vẫn tiếp tục làm phong phú hơn với ý tưởng toà nhà The Khai 18 tầng mang dáng dấp dải lụa gắn liền với thương hiệu Khaisilk, và The Prince 20 tầng từ ý tưởng những quyển sách chồng lên nhau ngay tại trung tâm Phú Mỹ Hưng.
Doanh nhân Hoàng Khải và cao ốc 20 tầng sắp khởi công ở quận 7, TP.HCM
Nhưng không phải thành quả luôn đến một cách dễ dàng. Ông Hoàng Khải từng chia sẻ rất thật lòng: “Nhìn tôi, ai cũng nghĩ một cuộc đời ước mơ nối tiếp ước mơ, nhưng ít ai hiểu rằng cuộc sống thường thì khó khăn nhiều hơn, và đôi khi nó đến với mình dồn dập hơn. Còn như hạnh phúc và sung sướng có phải lúc nào cũng ở ngay bên cạnh mình. Tôi nhớ cách đây 6 năm (khoảng 2010), lúc đó tình hình kinh tế cực kỳ khó khăn, nhiều khi áp lực về dòng tiền làm tôi phát điên và muốn vứt bỏ hết, cho xong mọi chuyện!”.
“Trong kinh doanh, ai cũng muốn có những thành công cho riêng mình, nhưng quan trọng nhất là đừng có lấy hết, mà hãy chia một chút thành công ấy cho người khác”, ông Hoàng Khải nói thêm.
Xa xỉ, lạc quan và chia sẻ
Trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn, bản tính lạc quan dường như là tính cách giúp Hoàng Khải vượt qua được những phong ba bão táp đó.
Từng chia sẻ về những ngày tháng khó khăn hồi 2010, ông Hoàng Khải nói: “Giờ đây, mọi chuyện đã trở nên một màu hồng tươi sáng… Nghĩ lại, tôi thấy mình đã chọn sống và làm việc một cách lạc quan”.
Với tâm thế nhận được nhưng không lấy hết, chia sẻ cũng là phần quan trọng trong cuộc sống của Hoàng Khải. Ông thường xuyên thăm các trẻ em mồ côi, đi xe buýt hoặc máy bay hạng thường để góp tiền cho trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa.
Ông Hoàng Khải cũng là doanh nhân hiếm hoi nhiệt tình và thường xuyên chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm, những câu chuyện thường ngày trên trang mạng xã hội.
Bản thân Hoàng Khải cũng từng thừa nhận mình là kẻ xa xỉ. Ông đến với những thú chơi siêu sang ngay khi còn rất sớm.
Từ năm 2007, chiếc Rolls-Royce Phantom đột ngột xuất hiện trước cửa khách sạn Sheraton đường Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM, người ta ngay lập tức nhận ra, người lái chiếc xe trị giá triệu đô la này là Chủ tịch tập đoàn Khải Silk – Hoàng Khải.
Vào thời điểm đó, chiếc Rolls-Royce Phantom được coi là chiếc xe đắt nhất Việt Nam. Đến nay, vị doanh nhân này vẫn tiếp tục bổ sung vào bộ sưu tập thêm nhiều xế “khủng”.
Sự xa xỉ của Hoàng Khải thể hiện khá rõ trong phong cách bất động sản của ông. Không những chi hàng triệu đô la cho toà nhà The Khai và The Prince, ông còn tiết lộ hai toà nhà này sẽ được xây theo phong cách “rất Khải” và cho rằng: “Nếu được cấp đất bao nhiêu xây hết bấy nhiêu thì toà nhà chẳng có một chút ấn tượng gì”.
Với tòa nhà The Khai, ngoài chi tiền để đầu tư cho căn Penthouse 7 phòng ngủ, ông Hoàng Khải còn xây dựng 3 tầng có thang máy đi riêng có tên là Lightning (tia chớp) và có hồ bơi trên tầng 20 được chứa đầy nước biển có tên gọi là Infinity (Vô đối). Ngoài ra, trong căn Penthhouse đó có chiếc cầu thang để dẫn thẳng lên khu Spa tên Cloud (Mây trắng) và có cái nhìn toàn cảnh của thành phố với góc nhìn 360 độ trên đỉnh của tòa nhà The Khai.
Cái sự xa xỉ của ông cũng được thể hiện trong cách sử dụng đồ dùng cá nhân hay những thú thưởng thức ẩm thực độc đáo.
Sưu tầm
>> Bài viết hay về Khởi nghiệp