Cách tư duy lạc quan một cách mù quáng có thể khiến doanh nhân mất cảnh giác trước những tình huống xấu. Hãy thử một chiến lược mới hiệu quả hơn: “bi quan để phòng thủ”.
Suy nghĩ tích cực thường được cho là yếu tố quan trọng để thành công trong kinh doanh. Bởi vì góc nhìn của doanh nhân sẽ tác động đến mọi thứ, từ những con số thể hiện kết quả kinh doanh đến “sức khỏe cảm xúc” của chính họ.
Tuy nhiên, sự lạc quan một cách mù quáng có thể khiến doanh nhân mất cảnh giác trước những tình huống xấu. Vì trên thực tế, áp lực chính là thử thách đầu tiên họ phải đối mặt khi vận hành một doanh nghiệp.
Có một lý thuyết mới cho rằng suy nghĩ tiêu cực thực sự có lợi cho việc dự đoán những thách thức. Giáo sư tâm lý học Julie K. Norem đã từng nêu quan điểm này trong cuốn sách được xuất bản năm 2002 có tên The Positive Power Of Negative Thinking (tạm dịch: Sức mạnh tích cực của suy nghĩ tiêu cực).
Chiến lược này còn có thể được gọi là “bi quan để phòng thủ” (defensive pessimism). Theo đó, việc lên kế hoạch cho trường hợp xấu nhất sẽ hiệu quả hơn việc luôn cố gắng suy nghĩ lạc quan. Cụ thể, chiến lược này buộc chúng ta phải hình dung một cách sinh động những thách thức có thể phát sinh và sau đó tìm ra cách để khắc phục vấn đề. Tận dụng sức mạnh của “chủ nghĩa bi quan” giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho những rủi ro. Đó là một kỹ năng không thể thiếu đối với mọi doanh nhân.
Dưới đây là cách mà sự bi quan có thể tác động tích cực đến doanh nhân cũng như kết quả kinh doanh:
1. Nâng cao năng suất làm việc
Những người lạc quan quá mức, nghĩa là luôn cho rằng “mọi thứ rồi sẽ ổn thôi” thường dễ dàng bỏ qua những tín hiệu tiêu cực và không thể đưa ra các biện pháp phòng ngừa cần thiết.
Ngược lại, những người “bi quan để phòng thủ” lại tận dụng tốt sự nhạy bén của mình để đưa ra kế hoạch hành động nhằm xử lý những sự cố phát sinh. Khi đối diện với thử thách, họ sẽ chọn cách hành động thay vì rút lui. Họ luôn sẵn sàng đón nhận những thông tin, những lựa chọn mới mẻ thay vì giam mình trong những ảo tưởng tốt đẹp.
2. Được chuẩn bị tốt cho mọi tình huống
Trước khi bước vào một cuộc họp mang tính chất đặc biệt quan trọng, những người bi quan một cách tích cực luôn chuẩn bị kỹ lưỡng hết sức có thể để đối phó với những câu hỏi khó hoặc những luận điểm phản đối.
Tầm nhìn xa giúp họ trở nên linh hoạt dù cho áp lực có bất ngờ xảy ra hoặc gia tăng.
3. Nâng cao sự tự tin
Sự chắc chắn quá mức thường phản tác dụng trong những tình huống căng thẳng như lúc đàm phán hoặc phát biểu trước đám đông. Thuyết phục bản thân và mọi người “vui lên, lạc quan lên” trong khi công ty/tổ chức thực sự có vấn đề chỉ làm khuếch đại thêm sự lo lắng. Đồng thời, cách tư duy này còn khiến bạn khó thể nỗ lực hết sức mình để giải quyết vấn đề.
Trong khi đó, người theo chủ nghĩa “bi quan để phòng thủ” thì tự động viên bản thân theo hướng chấp nhận rằng, sự tiến bộ luôn đi kèm nhiều khó khăn, thử thách. Họ không đổ lỗi cho bản thân mà tập trung vào việc tự vấn xem mình đã học được bài học gì hoặc làm thế nào để xử lý mọi thứ tốt hơn trong tương lai.
4. Biết cách chấp nhận những rủi ro đã được tiên liệu
Nhiều nghiên cứu cho thấy, các CEO càng lạc quan thái quá, họ càng… nợ nần nhiều hơn, và do đó càng dễ đưa doanh nghiệp vào vòng nguy hiểm hơn. Những “doanh nhân bi quan” tránh được nguy cơ này vì họ suy nghĩ thực tế hơn.
Dĩ nhiên, cách tiếp cận này không giống với xu hướng bi quan một cách tiêu cực, nghĩa là dựa trên những suy nghĩ không lành mạnh. Đặc điểm quan trọng của sự “bi quan để phòng thủ” là dự đoán khả năng rủi ro trước khi chúng vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Nghĩa là suy nghĩ một cách thực tế về những điều không thuận lợi để thúc đẩy bản thân chuẩn bị đối mặt với thách thức, thay vì chỉ… ngồi trầm ngâm suy nghĩ.
Nếu là người lạc quan, bạn cũng có thể thử điều chỉnh những suy nghĩ của mình theo cách của một người “bi quan để phòng thủ”, bởi vì bạn sẽ không bao giờ biết mình có thể học được gì khi nhìn mọi thứ dưới một góc độ khác.
Sưu tầm.
>> Bài viết hay về Khởi nghiệp
>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh
>> Khóa học Kích hoạt Năng lượng Thành công
>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp