TS Alan Phan, chủ tịch quỹ Viasa, với 42 năm kinh nghiệm kinh doanh tại Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có buổi tọa đàm chia sẻ với các doanh nghiệp Hà Nội. 

Tiến sĩ Alan Phan

Theo Tiến sĩ Alan Phan, các doanh nghiệp Việt Nam có những điểm yếu mang tính tập quán và cần khắc phục. Đó là thiếu yếu tố quan hệ quốc tế trong hoạt động kinh doanh. Các doanh nhân hiện giờ cũng có xuất ngoại để tìm kiếm cơ hội nhưng thế là chưa đủ. Khi ra thị trường quốc tế doanh nghiệp Việt Nam thiếu thông tin thị trường, vướng mắc trong các vấn đề pháp lý, nhưng lại không có thói quen sử dụng tư vấn. “Chúng ta vẫn thích miễn phí” – TS Alan Phan chia sẻ – “ vì thế khó có được dịch vụ tư vấn chất lượng, nhất là tư vấn luật pháp”. Ở các thị trường phát triển thì luật pháp đầy đủ, cạnh tranh hoàn toàn bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Nếu gặp phải rắc rối pháp lý sẽ khiến doanh nghiệp mất rất nhiều chi phí, thậm chí đối mặt với những án phạt tù từ tòa án. Doanh nghiệp phải thay đổi, biết chấp nhận chi trả khoản phí tư vấn xứng đáng để tìm hiểu, xúc tiến hợp tác với đối tác, bạn hàng quốc tế. Khi doanh nghiệp đối diện với khó khăn cũng là cơ hội để thay đổi, sáng tạo ra những khác biệt. Chỉ có sự khác biệt mới giúp doanh nghiệp vượt lên và tồn tại trong môi trường kinh doanh khốc liệt. Muốn như thế cần phải biết và sử dụng người có tài năng. “Các doanh nghiệp Việt Nam thường có xu hướng là doanh nghiệp gia đình. Kỹ năng quản trị kém, cho dù có thuê người giỏi quản lý thì cũng không dám sử dụng do thiếu lòng tin. Doanh nghiệp vì thế không có sáng tạo, kết quả chỉ như con kiến bò trong hộp”- TS Alan Phan nói. Thiếu đi tính sáng tạo các doanh nghiệp không có khác biệt, cũng đồng nghĩa với việc mất cơ hội cạnh tranh. Đó là biểu hiện của dạng doanh nghiệp “Me too – Tôi cũng thế” ,phổ biến hiện nay. Bên cạnh đó các doanh nghiệp Việt Nam còn đứng trước bài toán thiếu vốn trầm trọng. Đối diện với khó khăn như vậy ngoài kênh ngân hàng thì các doanh nghiệp hướng tới lên sàn CK để huy động vốn. Tuy nhiên sự suy giảm của thị trường chứng khoán khiến cho ý định này gặp nhiều khó khăn TS Alan Phan đã chỉ ra một phương pháp rất cổ điển nhưng các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết chưa áp dụng. Đó là M&A doanh nghiệp. Để thuyết phục các doanh nhân, TS đã kể lại câu chuyện của bản thân ông. “Công ty của tôi lúc đó có doanh thu khoảng 6-7 triệu USD, đã niêm yết trên thị trường chứng khoán nhưng thanh khoản rất kém. Khi đó 1 người bạn giới thiệu mua lại 1 nhà máy sản xuất bộ giải mã tín hiệu truyền hình có mức lợi nhuận sau thuế khoảng 1 triệu USD/năm. Tôi mua lại nhà máy đó với 8 triệu USD là cổ phiếu của chính mình, còn 2 triệu USD là tiền vay bạn bè.” Sau đó cổ phiếu của ông được thị trường chú ý tới do doanh thu đột biến tăng từ 6 triệu USD lên 120 triệu USD. Từ đó ông có tiếng tăm nhất định do sở hữu 1 công ty khá lớn với 1000 nhân công, doanh thu hằng năm hơn 100 triệu USD tại Mexico. Như vậy chỉ bằng biện pháp đòn bẩy tài chính thông qua M&A, một công ty có doanh thu chỉ 6 triệu USD đã tăng doanh thu lên gấp 20 lần. Nếu chỉ kinh doanh thông thường thì đó sẽ là con đường rất dài, thậm chí không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đi đến đích. Phương pháp hiệu quả nhưng tại Việt Nam các doanh nghiệp dường như không mấy quan tâm, thậm chí không mấy thiện cảm vì lo ngại mất công ty, mất quyền lợi cá nhân. Đó là tập quán cũng cần thay đổi. Hãy suy nghĩ “Think out of box” các doanh nghiệp mới có cơ hội vươn ra thế giới Chia sẻ câu chuyện người Ireland, trong nước chỉ có 6 triệu người trong nước, nhưng kiều dân Ireland ở nước ngoài có đến 84 triệu người. Những kiều dân này đi khắp nơi trên thế giới, lập nghiệp và kinh doanh tạo ra của cải rất lớn. Chính kiều dân này là sức mạnh cho dân tộc Ireland. “Vì thế các doanh nghiệp Việt Nam cần mạnh dạn, tự tin để tìm kiếm cơ hội thị trường rộng lớn bên ngoài biên giới. Thay đổi suy nghĩ, thói quen chỉ kinh doanh trên vùng đất quen thuộc với mình”- TS Alan Phan kết luận.

Sưu tầm