Lời mở đầu:
Bài viết này được tôi viết từ năm 2009, đến nay đã 5 năm, khi đó viết gửi cho Kỷ yếu của giới Nhân sự nhân ngày HR Day hàng năm. Vì vậy không tránh khỏi việc phản ánh những tư duy, cách diễn đạt của con người mình khi đó. Tuy vậy khi xem lại tôi vẫn thấy đây là 1 góc nhìn có những nét giá trị cho các Start-Up mới chập chững “vào đời” nên chia sẻ lại ở đây. Hy vọng sẽ mang lại lợi ích cho các bạn!
Lúc bấy giờ thế giới bị cai trị bởi một vị vua độc ác và đầy quyền năng.
Dưới sự cai trì hà khắc và tàn bạo của ông ta người dân không có được một ngày hạnh phúc, một giấc ngủ yên bình…
Tại một ngôi làng nhỏ, có một dũng sĩ lớn lên và anh ta mơ ước sẽ “đánh bại vị vua độc ác và giải thoát, mang lại hạnh phúc cho cả thế giới”. Để làm được việc này anh ta phải xây dựng nên một đội nhóm cho riêng mình, trên chặng đường đi đến vương quốc của vị vua độc ác anh ta gặp hai người, một người đàn ông với ước mơ “trở thành kiếm sĩ giỏi nhất thiên hạ” và một người phụ nữ với ước mơ “trở thành pháp sư số một”, tập hợp với nhau thành một nhóm. Họ thức hiện chuyến hành trình tới vương quốc của vị vua mất nhiều năm, trên đại hành trình đó họ trưởng thành, giỏi lên vượt bậc và cả ba người đều đã trở thành những chiến binh rất mạnh mẽ.
Khi đến kinh đô của thế giới họ tiêu diệt vị vua độc ác và ngay thời điểm đó, chàng dũng sĩ đã thực hiện được ước mơ giải thoát cả thế giới khỏi nỗi đau, người kiếm sĩ cũng đã trở thành kiếm sĩ giỏi nhất còn người phụ nữ cũng đã là pháp sư số một, bởi vì họ đã có đủ năng lực để tiêu diệt vị vua đầy quyền năng kia.
Câu chuyện thật đơn giản nhưng có thể nhìn thấy lý do tại sao cả ba người này gắn bó với nhau vô cùng dài lâu? Chàng dũng sĩ không đi tìm kiếm một người với ước mơ “xây dựng rạp xiếc lớn nhất và vui nhộn nhất”, anh ta tìm kiếm những người có ước mơ sẽ thực hiện được nếu họ đi chung đường với mình, ngay cả khi ước mơ của họ không giống như ước mơ của anh ta, những giữa chúng vẫn có điểm tương đồng, bởi vì chúng là phần tử của một ước mơ lớn.
Cách đây ít lâu tôi được đọc một bài viết nói về mười đặc tính tiêu biểu của người Việt Nam – trong đó có một đặc tính với đại ý là: “người Việt Nam chỉ chung tay, đoàn kết khi có xâm lăng, nhận thức được nguy hiểm; còn khi mọi sự yên ổn, hòa bình, thì tâm lý không để người khác được lợi hơn mình rất mạnh mẽ, hình thành nên một khối dân tộc lỏng lẻo thiếu tính đoàn kết”. Có người nói dân ta thời bình giống như những con cua trong chậu, khi thấy con này leo lên thì các con ở dưới ngay lập tức hùn nhau kéo nó xuống, bởi thế nên dù chậu không có nắp đậy nhưng vẫn chẳng có con cua nào leo được ra ngoài để thấy trời đất bao la…
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, tôi được dịp chứng kiến nhiều doanh nghiệp từ giai đoạn khởi sự đến giai đoạn phát triển, qua đó tôi nhận thấy có một mâu thuẫn như sau: ở thời kỳ khai sơn phá thạch, làm việc thì rất gian khổ vậy mà các sáng lập viên rất chung tay, đồng lòng đồng sức vượt qua khó khăn chinh phục mục tiêu; tuy nhiên khi công ty phát triển thuận lợi và bước đầu gặt hái được những thành công, các sáng lập viên lại bắt đầu ra đi vì hai lý do: một là doanh nghiệp bắt đầu bị chia rẻ với việc xuất hiện nhiều phe phái và ban bệ, hai là họ đã sớm hài lòng và quyết định rời bỏ để tạo dựng một cơ ngơi riêng cho mình – có thể nói tâm lý thích “đi riêng” và không nhìn thấy sức mạnh của sự hợp tác rất mạnh mẽ trong suy nghĩ của chúng ta, đặc biệt là trong văn hóa kinh doanh Việt Nam. Mâu thuẫn ở đây là thời điểm họ chọn tách ra đi riêng lại là thời điểm mà mọi sự đang thuận lợi thành công tốt đẹp chứ không phải là những khi gian khổ. Tuy nhiên họ không thành công thường vì hai lý do: một là họ chưa đủ lực để tự mình thực hiện, hai là những kinh nghiệm mà họ rút tỉa được để áp dụng vào doanh nghiệp mới chỉ đúng với doanh nghiệp cũ của họ, và cũng chỉ đúng ở trong khoảng thời gian đó chứ không còn đúng trong hiện tại. Vì thế, họ vừa thất bại lại vừa làm cho doanh nghiệp cũ suy yếu và lâm vào khủng hoảng nhân sự trầm trọng. Doanh nghiệp lúc này rơi vào một cú rớt đột ngột, và nếu xử lý không khéo, rất nhiều doanh nghiệp đã không còn có thể hồi phục. Như vậy đây là một tình huống đặc biệt và là bài toán nan giải đối với các nhà quản lý nhân sự, phòng luôn hơn chữa, làm sao để giữ chân những người tài và khiến họ gắn bó thật lâu dài chung tay thực hiện sứ mệnh của doanh nghiệp mình?
Luôn luôn có một ước mơ lớn bao gộp những ước mơ nhỏ hơn mà những người chủ nhân của những ước mơ nhỏ sẽ kề vai sát cánh để cùng đạt được ước mơ lớn cho dân tộc.
Nhà lãnh đạo biết đánh thức, động viên và giúp đỡ đồng đội thực hiện ước mơ của họ khi đi chung trên con tàu của mình sẽ chiến thắng nhà lãnh đạo ép người khác phải hy sinh giấc mơ của họ để phục vụ cho mục đích cá nhân của mình.
Tác giả: Tạ Minh Tuấn – là doanh nhân đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực khởi nghiệp tại Việt Nam, đồng thời cũng là người sáng lập YUP! Start-Up Education & Incubation Centrer.