“Bạn làm gì?” Khi ai đó hỏi bạn câu hỏi này, bạn có thể đưa ra vô số câu trả lời. Bạn có thể nói về vai trò làm cha mẹ của mình. Hoặc có thể kể đến hàng đống việc bạn đã làm để duy trì cuộc sống gia đình. Bạn có thể liệt kê những sở thích của bản thân. Tuy nhiên, tại Mỹ, ý nghĩa thật sự của câu hỏi đó là “Bạn làm nghề gì?” và câu trả lời được mong chờ phải bao hàm công việc của bạn.
Có điều gì đó vô cùng mạnh mẽ và khai mở trong cách chúng ta hỏi “Bạn làm nghề gì?” trong nền văn hóa Mỹ. Đó là cách khác để hỏi “Mục đích của bạn là gì?”, giống như một người nhìn vào cỗ máy lạ hoắc và hỏi “Cái này để làm gì?”. Chúng ta thường hỏi câu đó gần như ngay sau khi gặp một người nào đấy. “Bạn đến từ đâu?” là câu hỏi đầu tiên, sau đó là “Bạn làm gì?”. Những câu trả lời giúp chúng ta đánh giá được con người đó, cũng như có chủ đề để trò chuyện.
Hầu hết với phần lớn người châu Âu đều thấy khó hiểu khi thấy người Mỹ tiếp tục làm việc trối chết dù đã kiếm đủ tiền để sống sung túc đến cuối đời. Đối với họ, chuyện ai đó tiếp tục đi làm vì yêu thích công việc là điều khó hiểu. Người châu Âu thường có sáu tuần nghỉ phép mỗi năm. Còn ở Mỹ, thông thường là hai tuần, nhiều người đi du lịch vẫn đem theo công việc, hoặc thậm chí không đi du lịch nhiều năm liền nếu họ đang xây dựng sự nghiệp.
Đây là cách người Mỹ làm việc từ thưở khai sinh của nền văn hóa. Khi mà tổ tiên người Mỹ đến châu Mỹ và khám phá ra một vùng đất vô cùng rộng lớn chưa được khai phá, suy nghĩ đầu tiên của họ không phải là “Uống tí trà nào” mà là “Hãy làm việc thôi”. Có cả một Tân Thế giới để kiến tạo và thế giới đó không tự nhiên mà thành. Các thành phố cần được dựng lên. Phía Tây cần được mở rộng. Những nguyên lý cơ bản của một nền chính trị táo bạo cần được đưa vào thử nghiệm. Hồi đó không có thời gian để dông dài và rõ ràng là đến bây giờ người Mỹ vẫn nghĩ như vậy. Họ làm việc nhiều giờ hơn người dân của bất kỳ nền văn hóa nào khác.
Người Mỹ tôn vinh lao động và biến những doanh nhân thành đạt thành những người nổi tiếng. Donald Trump và Bill Gates là những ngôi sao. Stephen R.Covey, Jack Welch và Lee Iacocca là những tác giả ăn khách bậc nhất. Thay vì Bonjour Paresse (Lười biếng ơi, xin chào), những cuốn sách bán chạy nhất tại xứ sở cờ hoa là The Seven Habits of Highly Effective People (Bảy thói quen của người thành đạt) và Good to Great (Từ tốt đến vĩ đại). Những ông chủ tỉ phú của các đội bóng, như George Steinbrenner và Mark Cuban, cũng được đưa tin thường xuyên như các vận động viên của họ.
Với người Mỹ, công việc có thể khiến bạn cảm thấy mình giống như một nữ hoàng, mình là người quan trọng, hay mình đã đạt được mục đích; công việc có thể khiến bạn cảm thấy như thể đó là tất cả những gì bạn có; nếu mất đi công việc thì bạn chẳng còn gì cả.
Đối với họ, công việc không chỉ đơn giản là thứ bạn làm để kiếm sống hay vì bạn buộc phải làm. Dẫu cho bạn không thích công việc của mình, nó vẫn có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, tầm ảnh hưởng định nghĩa cả cuộc sống.
Câu hỏi “Bạn làm gì?” sẽ có thêm một ý nghĩa nữa về bản chất của người Mỹ khi hỏi một ai đó rằng cô ta làm gì để kiếm sống, tức là chúng ta đang hỏi cô ta là ai. Họ có niềm tin mãnh liệt rằng họ chính là những gì mà họ làm trong nghề nghiệp của mình. Vì sao những người thất nghiệp lại thường suy sụp khi không có việc làm? Bởi vì họ không biết phải làm sao để trả tiền hóa đơn chăng? Tất nhiên, tuy nhiên, ở mức độ sâu xa hơn, đó là vì họ tin rằng nếu họ đang không “làm” gì cả, tức là họ không là ai hết.
Vì công việc đồng nghĩa với “chúng ta là ai” nên hoàn toàn dễ hiểu khi nghề nghiệp lại có ý nghĩa quan trọng đến vậy đối với người Mỹ. Nếu họ cảm thấy công việc của mình vô nghĩa, thì “chúng ta là ai” cũng trở nên vô nghĩa theo. Nếu họ cảm thấy hứng khởi, nếu chúng ta tin rằng công việc của mình thật sự có giá trị đối với công ty đang làm việc (kể cả nếu “công ty” đó là chính bản thân chúng ta) và đang làm điều gì đó đáng giá trong công việc của mình, niềm tin đó sẽ củng cố nhận thức của họ về bản thân.
Có lẽ đây là lý do chủ yếu tại sao những nhà tuyển dụng Mỹ lại coi trọng chuyện khiến cho nhân viên hài lòng và hứng thú trong công việc. Một công ty được vận hành bởi những người có nhận thức tiêu cực về bản thân thì khó có thể hoạt động tốt được.
Người Mỹ hiếm khi dễ dàng chấp nhận nghỉ hưu và họ có niềm tin mạnh mẽ rằng khả năng của bạn được đánh giá bằng thành tích gần nhất. Một tỷ phú vẫn làm việc 60 giờ một tuần vì ông ta cần liên tục khẳng định mình là ai. Một giám đốc vừa được thăng chức liền nâng cao cường độ làm việc của mình vì cô ta đã nhìn thấy cơ hội được thăng chức tiếp theo.
Văn hóa làm việc cũng giải thích tại sao người Mỹ lại tôn vinh những doanh nhân siêu thành đạt. Họ yêu thích câu chuyện về việc Bill Gates làm việc cật lực trong nhà để xe của mình, nảy ra một ý tưởng xuất sắc và trở thành người giàu có nhất thế giới. Vì câu chuyện này củng cố cho quan điểm rằng việc “chúng ta là ai” là không có giới hạn. Những triệu phú làm giàu từ hai bàn tay trắng (hay trong trường hợp của Gates, là “50 tỷ phú”) là nguồn cảm hứng cho người Mỹ vì điều đó chứng minh rằng tất cả họ đều có thể làm việc chăm chỉ, tìm kiếm sở trường, và tôi luyện thành một con người phi thường.