Được thành lập tại San Francisco vào năm 2011, Wish chỉ mới bắt đầu tung ra ứng dụng mua sắm trên di động vào năm 2013. Tuy nhiên, nó đã nhanh chóng trở nên phổ biến với giới trung lưu tại Mỹ lẫn nước ngoài, khi tạo ra một nền tảng thương mại điện tử khổng lồ cho phép các cửa hàng nhỏ có thể bán đủ thứ mặt hàng giá thấp tới tay người tiêu dùng.
Được sáng lập bởi một cựu nhân viên của Google là Peter Szulczewski, mô hình kinh doanh của Wish là đưa thẳng hàng từ các nhà sản xuất tại Trung Quốc tới tay người tiêu dùng Mỹ. Vì thế, hàng hóa trên Wish hay có giá rẻ bất ngờ: kính mát và đồng hồ giá 1 USD, đồ chơi trẻ em giá 2 USD, áo len giá 8 USD…
Nhiều mặt hàng thậm chí còn đề giá “miễn phí”, và chỉ tính tiền vận chuyển. Cứ mỗi đơn hàng, Wish lại được chia 15% giá trị giao dịch.
Dĩ nhiên, mua hàng trên Wish có điểm bất lợi là người mua phải đợi 2 – 4 tuần mới nhận được hàng gửi từ Trung Quốc. Tuy nhiên, xem ra người tiêu dùng vẫn ưu tiên giá rẻ là trên hết. Wish tuyên bố họ đang có 300 triệu người dùng.
Theo Sensor Tower, số người dùng thường xuyên của Wish đã tăng 50% trong nửa đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm ngoái. Szulczewski thì tuyên bố doanh thu của Wish đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD, và cho rằng Wish thành công nhờ phục vụ đúng nhóm đối tượng khách hàng là những người Mỹ thu nhập thấp không đủ tiền mua sắm trên Amazon.
Startup này hiện đang thực hiện một vòng gọi vốn mới với định giá 8,5 tỷ USD. Tính cho đến nay, tổng vốn mà Wish đã huy động được là hơn 1 tỷ USD.
Wish cũng là một trong những công ty thương mại điện tử trẻ tuổi hiếm hoi được cả Amazon, Alibaba và Walmart theo dõi sát sao. Đã từng có nguồn tin nói rằng Amazon từng ngỏ ý muốn mua lại Wish với cái giá 10 tỷ USD bằng tiền mặt.
Việc gọi vốn thành công cho phép Wish chi tiêu mạnh tay cho quảng cáo, dù công ty vẫn chưa có lãi (theo số liệu từ Pitchbook). Ngay từ năm 2015, Wish đã cho biết họ đầu tư 100 triệu USD/năm cho việc chạy quảng cáo trên Facebook.
Theo Sensor Tower, Wish là thương hiệu đứng thứ nhì về chi tiêu quảng cáo trên Facebook trong quý II/2017. Wish cũng đứng hạng 4 về chi tiêu quảng cáo trên Pinterest, và hạng 6 về chi tiêu quảng cáo trên Google.
Mới đây, sau khi giải bóng rổ nhà nghề NBA của Mỹ cho phép đặt logo nhà tài trợ lên áo đấu, Wish đã là một trong những công ty đầu tiên xung phong, thông qua thương vụ tài trợ cho đội Los Angeles Lakers với giá 12 – 14 triệu USD/năm. Tổng giá trị hợp đồng này là khoảng 30 triệu USD.