“Tôi là doanh nhân, tác giả, người chia sẻ kiến thức, tạo cảm hứng và là người luôn học hỏi”, Lâm Minh Chánh đã viết như thế trên avatar Facebook của mình, và anh đã sống đúng như thế.
18 năm làm quản lý cấp cao, 6 năm với 5 lần khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau: sàn vàng, giáo dục, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng công nghệ; có thành công và có cả chưa thành công.
Những bài học đắt giá đã được anh chia sẻ thật lòng qua những khóa đào tạo, những trang sách, những bài viết trên trang Facebook cá nhân và bây giờ là những bài viết, những hội thảo của Group Quản trị và Khởi nghiệp với 17.000 thành viên!
Luôn nhìn thấy ánh sáng trong mọi hoàn cảnh
Tốt nghiệp MBA hạng ưu của trường đại học Kỹ nghệ Sydney, trải qua nhiều vị trí cao cấp trong các tập đoàn đa quốc gia, con đường lập thân của anh có vẻ… rải đầy hoa hồng?
Năm 1990, tôi tốt nghiệp kỹ sư cơ khí nông lâm, đây cũng là thời điểm Việt Nam bắt đầu mở cửa, tôi mon men học lại tiếng Anh trong lớp “thư ký cơ quan nước ngoài” và được tuyển vào vị trí bán hàng công ty Voice Australia, nhà phân phối cho sơn ICIC.
Năm 1994 Mỹ bỏ cấm vận, tôi được trúng tuyển vào vị trí Trưởng phòng kinh doanh Kodak tại Việt Nam. Được học bổng toàn phần AusAID của Chính phủ Úc học MBA tại trường UTS, trở về Việt Nam, tôi đã có được nhiều trải nghiệm hữu ích về nghề nghiệp tại các công ty đa quốc gia trong vị trí giám đốc kinh doanh và là quản lý người Việt đạt cấp bậc AVP đầu tiên của AIA Việt Nam, Giám đốc kinh doanh Prudential, Phó tổng giám đốc Dai-Ichi Life Việt Nam, Tổng giám đốc Chứng khoán Đại Việt…
Tuy vậy, không thể nói là con đường tôi đi là đầy hoa hồng… Để có một nghề nghiệp tương đối vững vàng, các nhà quản lý phải vượt qua những khó khăn trong công việc, trong quan hệ và nhiều thử thách khác. Câu “hoa hồng nào cũng có gai” luôn luôn đúng.
Vì sao cuộc đời “ làm thuê” đang tươi hồng thế mà cuối 2008, anh lại từ bỏ mức lương khủng, để khởi nghiệp Sàn giao dịch Vàng Thế giới (VTG)?
Sau 18 năm miệt mài làm quản lý lĩnh lương, tôi thấy mình tụt hậu với bạn bè làm doanh nhân. Vào đầu những năm 2000 khi tôi đang vui vẻ với mức lương 4.000-5.000 USD thì các bạn tôi bắt đầu khởi nghiệp khó khăn. Đến những năm 2008 khi họ đã có doanh nghiệp tương đối thì lương của tôi dù có tăng lên đều đặn, nhưng chỉ là “muỗi” so với lợi nhuận của họ.
Không chỉ là thu nhập mà chính xác là ước mơ lập doanh nghiệp của tôi bùng lên. Tôi muốn mình làm chủ, được thực thi các quyết định và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Sau một vài tháng kêu gọi vốn và chuẩn bị, tôi thành lập công ty cổ phần kinh doanh sàn vàng Thế giới (VTG) với những điểm khác biệt vượt trội: vừa giao dịch khớp lệnh theo kiểu chứng khoán giống sàn vàng ACB, vừa giao dịch chào bán chào mua theo giá thế giới, quy tụ rất nhiều các chuyên viên hàng đầu về phân tích giá vàng, phân tích kỹ thuật … chúng tôi đã nhanh chóng lọt vào top 3 các sàn vàng chính quy.
Nhưng vào cuối tháng 3/2010 chúng tôi buộc phải đóng cửa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Từ một doanh nghiệp rất tiềm năng, chúng tôi bị thua lỗ nặng vì thời gian hoạt động quá ngắn. Sau này, tôi hay đùa là tôi thành công 50%, và chưa thành công 50%. Là một người tích cực, tôi thích dùng chữ chưa thành công, chứ không dùng chữ thất bại.
Sau đó, ông lại tiếp tục khởi nghiệp?
Đương nhiên rồi. Sau sàn vàng VTG, tôi bắt tay vào kinh doanh nhượng quyền Toán tư duy Mathnasium Mỹ. Tôi là người đã phá lệ thường của ban giám đốc toán tư duy này khi thực hiện việc trình bày năng lực và thương thuyết mua nhượng quyền ngay tại Việt Nam chứ không qua Mỹ như các đối tác khác.
Chỉ trong 2 năm, chúng tôi đã sỡ hữu 4 trung tâm và ký nhượng quyền với 20 trung tâm trên cả nước. Hệ thống chúng tôi có 10.000 học sinh từ mẫu giáo đến lớp 9 và trở thành một đối trọng nặng ký so với một chương trình Toán của Nhật – vốn đã hoạt động tại Việt Nam trên 5 năm. Chúng tôi đã sang nhượng doanh nghiệp này. Đây là một đầu tư rất thành công của chúng tôi.
Cũng cùng thời gian đó, tôi thành lập Sàn thương mại điện tử Websieuthi theo mô hình Market Place. Dự án tuy có nhiều sản phẩm khác biệt, nhưng không thành công vì tôi không có vốn khủng như những ông lớn trong ngành.
Sau đó tôi kinh doanh trang thương mại điện tử khác là Hangtumy.vn, cung cấp dịch vụ mua hàng từ những website của Mỹ về Việt Nam. Dự án này khá thành công và đang được em trai tôi điều hành.
Thành công và thất bại liên tiếp như một chuyển động hình sin, có vẻ anh là người rất… “bất khuất”, thua keo này bày ngay keo khác? Điều gì giúp anh sức mạnh nội lực để có thể đứng dậy, làm lại từ đầu như thế?
Để trả lời, tôi xin trích 2 status tôi viết trên trang facebook cá nhân:
“Sẽ có những ngày bạn thấy phấn khích, vui vẻ. Nhưng cũng sẽ có những ngày bạn thấy “xìu”, buồn bã… Sẽ không bao giờ tránh được những lúc chúng ta bị “xuống dốc” tinh thần, chúng ta suy nghĩ bi quan, chán nản. Đó là một phần của cuộc sống, chúng ta phải chấp nhận.
Tuy vậy, phải biết cách vượt qua chúng một cách nhanh chóng. Nói một cách sến súa là “khóc cho nhanh rồi lau nước mắt”, để còn vui, còn cười, còn phấn khích để suy nghĩ và làm nhiều điều tốt đẹp”.
“Hãy chơi với những con người tích cực, những con người nhìn thấy điều tích cực. Những con người không than khóc, không ủ rũ. Những con người không tự kéo họ xuống, và cũng không kéo người khác xuống vì đố kỵ.
Hãy chơi với những con người luôn nhìn thấy ánh sáng trong mọi hoàn cảnh. Ngày mai rồi sẽ ổn, sẽ tốt hơn nếu chúng ta muốn như vậy”.
Trường học thực tế về khởi nghiệp
Và ở tuổi không còn trẻ, anh lại quyết định khởi nghiệp lần thứ 5 với dự án bán vé xe trực tuyến Pasoto?
Một công ty công nghệ mời tôi cùng bỏ vốn và điều hành dự án Pasoto.com với mục tiêu của điện tử hóa thị trường bán vé xe khách. Thị trường vé xe khách được dự đoán là 3-4 tỷ USD một năm, doanh số tiềm năng của Pasoto và cá công ty cùng ngành được dự đoán ở mức 30-40 triệu USD một năm.
Tuy vậy đây là một dự án cực khó vì vừa phải thuyết phục các nhà xe hợp tác vừa phải thay đổi thói quen của khách hàng. Thuyết phục nhà xe thì khó nhưng cũng có thể làm được từ từ nếu chúng ta kiên trì thuyết phục. Thế nhưng để thay đổi thói quen của khách hàng là một việc làm cực khó. Khách hàng vẫn thích gọi điện thoại hay đến thẳng bến xe mua vé, chứ không muốn đặt qua mạng. Xe lại dư chỗ nhiều nên họ không thấy hết giá trị của của việc mua vé online.
Nếu chỉ chăm chăm vào vé xe khách, công ty có khả năng chết trước khi đến đích vì đối diện với hai rủi ro rất lớn. Rủi ro thứ nhất là thị trường chưa được hình thành mà cần phải định hướng (educate), mà việc này thì cần thời gian và rất nhiều vốn. Rủi ro thứ hai là số tiền lời gộp của một đơn hàng quá nhỏ so với chi phí marketing (một đơn hàng chỉ lời khoảng 15.000-40.000 đồng). Công ty chỉ có thể hòa vốn trên mỗi khách hàng khi họ mua lần thứ 3, thứ 4.
Vì vậy, chúng tôi cần phải đi đường dài. Trong thời gian ngắn hạn, để có thể “nuôi” ngành vé xe khách, Pasoto phải tham gia kinh doanh bán vé máy bay, cho thuê xe ô tô đường dài và đặt phòng khách sạn. Kinh doanh các ngành này vừa tạo ra hệ sinh thái, vừa giúp công ty có lợi nhuận, giảm lỗ ngành vé xe khách để tiếp tục theo đuổi mục tiêu điện tử hóa ngành vé xe khách.
Và chúng tôi cũng đang nhận được lời đề nghị góp vốn hay hợp tác của một vài đối tác mạnh từ khu vực.
Công việc kinh doanh đang rất bộn bề như thế, vì sao anh dành nhiều thời gian và tâm huyết để cùng bạn bè mở Group Quản trị và Khởi nghiệp?
Qua những kinh nghiệm xương máu của chính mình và bạn bè, tôi thấy để khởi nghiệp thành công ngoài việc “có ý tưởng, có thị trường”, người khởi nghiệp cần có kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ.
Group Quản trị và Khởi nghiệp, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quán lý giỏi, doanh nhân có tầm cỡ… sẽ cung cấp những kiến thức, chia sẻ những trải nghiệm, cả thành công và thất bại cho các bạn trẻ khởi nghiệp.
Group muốn trở thành một trường học thực tế về quản trị và khởi nghiệp. Group cũng là nơi các bạn mở rộng quan hệ, kết nối kinh doanh và cùng phát triển. Group cũng là nơi tạo tinh thần tích cực cho các doanh nhân, và tạo lửa khởi nghiệp cho các bạn trẻ.
Tuy mới ba tháng mà Group Quản trị và Khởi nghiệp đã có 17.000 ngàn thành viên và rất nhiều bài chia sẻ hay hàng ngày.
Đó là nhờ sự nhiệt tình chia sẻ, và hợp lực của những thành viên trong ban cố vấn và chuyên môn như luật sư Nguyễn Ngọc Bích, chuyên gia về quản trị và luật; TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế; anh Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Kido; anh Đỗ Long, Tổng giám đốc công ty Bitas; anh Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc FPT FUNiX…
Trung bình mỗi ngày Group có 6-8 bài viết, trong đó các bài hay chiếm 50% , trung bình mỗi bài có khoảng 300-500 like, 3000-5000 người đọc. Đây chính là giá trị thực thu hút sự tham gia của các thành viên.
Group Quản trị và Khởi nghiệp sẽ cung cấp những kiến thức, chia sẻ những trải nghiệm, cả thành công và thất bại cho các bạn trẻ khởi nghiệp.
Những chủ đề nào đang hot nhất, gây tranh cãi nhất hiện nay trong group?
Những đề tài mà các thành viên quan tâm nhiều là khởi nghiệp, chiến lược, sales, marketing, nhân sự, thương hiệu…
Bài hay thì nhiều lắm, như những bài của Lý Quí Trung, Lâm Minh Chánh về khởi nghiệp, bài về chiến lược của Lý Trường Chiến, những bài về thương hiệu của Nguyễn Đức Sơn, Đặng Thanh Vân, những bài về quản trị của Lâm Bình Bảo, Lai Hồ, Vũ Thế Dũng, Nguyễn Tuấn Quỳnh, những bài về bán hàng của Đỗ Xuân Tùng, Trương Anh Tuấn,…
Những bài này này được nhiều người đón nhận, có bài nhận đến 1.000 like.
Trong ban chuyên môn có anh Nguyễn Thành Nam cựu Tổng giám đốc FPT, ban đầu anh nhận lời vì nể thôi, không tin group phát triển bền vững, nhưng qua hơn một tháng, anh thấy cách group làm hiệu quả nên rất an tâm. Anh Lý Quý Trung từ Sidney ban đầu chia sẻ khá dè dặt, nhưng sau đó anh nhập cuộc và chia sẻ rất thật lòng, rất giá trị đối với thành viên.
Cũng từng có một bạn trẻ vào xưng “mình” và mọi người, tôi nhắc trong này có người 5X, 4X như TS Lê Đăng Doanh, luật sư Nguyễn Ngọc Bích, anh Trần Kim Thành, anh Đỗ Long… mình là 9X không nên xưng như thế. Thay vì nhận góp ý, bạn ấy đáp lại “OK” gọn lỏn, một người đề nghị tôi cho bạn ấy ra khỏi group, sau đó bạn ấy nhắn tin riêng xin lỗi và xin trở lại group.
Sinh nhật tròn ba tháng của group đã nhận được sự động viên chia sẻ của nhiều bạn trẻ, doanh nhân. Có bạn bày tỏ nếu được đọc trước những chia sẻ này chắc không vất vả như thế. Có bạn gửi lời cảm ơn vì đã tạo nên một môi trường tuyệt vời dành cho mọi cộng đồng doanh nhân, kết giao được nhiều thành viên tích cực và cho đi nhiều bài học giá trị về cuộc sống, kinh doanh.
Để thổi vào các thành viên trong nhóm một tinh thần hừng hực như thế đòi hỏi ba người dẫn đầu phải thế nào?
Chọn sắc áo là đỏ đồng phục, màu của tích cực, quyết tâm, chia sẻ, chiến thắng… chúng tôi cứ làm thôi, và rồi thì các bạn trẻ sẽ thấy giá trị của group.
Chúng tôi phải liên tục gọi thêm những chuyên gia, những nhà quản lý giỏi, những doanh nhân tầm cỡ vào group chi sẻ với group trên Facebook và trong hội thảo.
Chúng tôi cũng phải điều hành group một cách khách quan, công tâm để tạo ra một sân chơi, môi trường thật sự có giá trị và thoải mái cho các thành viên.
Vậy theo anh thế nào được gọi là khởi nghiệp? Định nghĩa về khởi nghiệp của Mỹ và các nước có giống Việt Nam?
Khái niệm này ở các nước cũng giống nhau thôi. Khái niệm là khái niệm, vấn đề là chúng ta hiểu như thế nào.
Một cách bao trùm, khởi nghiệp là khởi nghề nghiệp, hoặc khởi kinh doanh. Và khởi kinh doanh hay gọi là startup có thể là khởi một doanh nghiệp phát triển bình thường, hoặc khởi động một doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng công nghệ có tính đột phá, có thể phát triển rất mạnh.
Làm thế nào để tạo không gian khởi nghiệp thực sự cho Việt Nam, hay chỉ dừng ở những lời kêu gọi rất thời thượng?
Việc quốc gia khởi nghiệp, các tỉnh khởi nghiệp không chỉ nên dừng lại ở các lãnh đạo mà các cấp điều hành phải biến nó thành thực tế bằng những luật lệ, chính sách kích thích doanh nghiệp khởi nghiệp, ví dụ như miễn thuế thu nhập trong vài năm đầu cho các doanh nghiệp mới thành lập.
Phải nói rằng Việt Nam chỉ mới bắt đầu trong việc tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp. Chúng ta cần phải tiếp tục mạnh mẽ hơn, và nỗ lực của group Quản trị và Khởi nghiệp cũng chính là để góp phần nhỏ bé xây dựng hệ sinh thái này.
Làm thế nào để anh có thể vừa phân thân, vừa dấn thân, để sống cho cộng đồng và làm tốt trách nhiệm với doanh nghiệp mình?
Phải giảm bớt thời gian chơi thôi. Vui thôi, vì mình cũng thích Facebook.
Những công việc anh đã làm đều dính dáng đến công nghệ thông tin, hẳn anh rất đam mê công nghệ?
Tôi rất thích Facebook, đó là một xã hội thứ hai. Rất nhiều việc tôi làm được qua Facebook, chẳng hạn như kêu gọi từ thiện cho bà con bị hỏa hoạn được hơn 100 triệu, kêu gọi giúp bà con miền Trung bị thiệt hại vì cá chết được 240 triệu, và Facebook là một mảnh đất tốt để tạo nên group tương tự như group Quản trị và Khởi nghiệp.
Cơ hội cho thương mại điện tử, và kinh doanh trên nền tảng công nghệ, theo anh?
Thương mại điện từ và kinh doanh trên nền tảng công nghệ là xu hướng không thể tránh được, và nó tạo cơ hội cho những doanh nghiệp có thể tăng trưởng đột phá.
Cho đi để nhận lại.
Triết lý sống của anh?
Cho đi để nhận lại. Chẳng hạn như chúng tôi tạo ra group Quản Trị và Khởi nghiệp để chia sẻ kiến thức, để tạo kết nối, để cho đi.
Và chúng tôi nhận lại: sự ảnh hưởng đến người khác, những mối quan hệ, và cảm giác hạnh phúc vì mình đã đóng góp, đã “cho đi”.
Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, anh còn là người đầy trách nhiệm với thời cuộc qua những bài viết sắc bén trên Facebook, trên báo chí như khi lên tiếng về vụ cá chết ở miền Trung: “Nếu ai cũng im lặng thì ai sẽ giúp chúng ta lấy lại công bằng”?
Vâng tôi xin trích status để trả lời câu hỏi này:
“Nếu ai cũng im lặng thì ai sẽ giúp chúng ta lấy lại công bằng
Khi bàn luận về số tiền 500 triệu USD do Formosa đến bù, tôi có liệt kê những thiệt hại do Formosa gây ra:
1) Thiệt hại trực tiếp đối với những người dân, doanh nghiệp có liên quan: đánh bắt hải sản, mua bán hải sản, du lịch. Họ đã mất thu nhập trong 3 tháng vừa qua và chắc là nhiều năm nữa. Số này hoàn toàn tính được.
2) Thiệt hại gián tiếp với những người dân nói trên. Có nhiều người lâm vào cảnh khó khăn, gia đình tan tác, chồng đi xa làm thuê, con bỏ học, chấn động tâm lý… bao nhiêu hệ lụy liên quan!
3) Thiệt hại đối với những người ăn thủy sản nhiễm độc trong thời gian qua. Sức khỏe tuổi thọ của những con người đó tính ra bao nhiêu tiền?!
4) Thiệt hại đối với ngành xuất khẩu thủy hải sản, trước mắt và lâu dài.
5) Thiệt hại đối với ngành du lịch của 4 tỉnh trước mắt và lâu dài.
6) Thiệt hại đối với môi trường hệ sinh thái biển. Chừng nào thì xử lý xong “tấm chăn cực độc” nằm dưới biển miền Trung. Mất bao nhiêu năm thì biển miền Trung mới trở về tình trạng cũ, hay là Biển sẽ bạc luôn?!
Và câu hỏi cuối của tôi đã được các nhà khoa học trả lời: 50 năm! Đau thật! cả một hệ sinh thái biển miền Trung cần đến 50 năm mới khôi phục. Bao nhiêu tiền để đền bù cho đủ? Ai sẽ giúp chúng ta lấy lại công bằng!
Hơn bao giờ hết câu nói của Napoleon “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt” là chân lý mà mỗi chúng ta phải nghiền ngẫm.
Có khác gì giữa các thế hệ doanh nhân thế hệ đầu , thế hệ giữa và thế hệ trẻ bây giờ?
Thế hệ khởi nghiệp những năm 80 như các anh Trần Kim Thành, Đỗ Long là những người khởi nghiệp thời kinh tế chưa mở theo hướng thị trường. Lúc đó nhà nước còn chưa khuyến khích kinh tế tư nhân, nên phải các anh phải rất bền chí, bản lĩnh mới có thể trụ được.
Phải nói việc các anh vượt khó tạo được doanh nghiệp vững mạnh và phát triển đến ngày nay là rất phi thường. Thế hệ giữa có môi trường tốt hơn, nhiều cơ hội hơn.
Thế trẻ trẻ ngày nay thì thuận lơi hơn nữa, môi trường kinh doanh tốt hơn rất nhiều, và lại có quá nhiều cơ hội và đặc biệt là những cơ hội đột phá.
Những tấm gương thành công về kinh doanh trên nền tảng Internet, công nghệ trẻ đã thúc đẩy một làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ của các bạn trẻ. Đó là điều đáng mừng.
Lời chia sẻ của anh với thế hệ khởi nghiệp sau mình?
Các bạn trẻ nên xây dựng những ước mơ khởi nghiệp của mình, tuy vậy hãy tránh những mơ ước viển vông. Cơ hội để thành những doanh nghiệp hàng tỷ hay hàng trăm triệu đô trong 5-10 năm là cực kỳ khó khăn và hiếm. Hãy nghĩ thật lớn, nhưng phải làm từng bước nhỏ cho chắc.
Theo tôi, tuổi để, khởi nghiệp lý tưởng nhất là từ 27-35 tuổi, khi các bạn đã có tích lũy cơ bản về vốn, kinh nghiệp, kiến thức, quan hệ…
Đừng khởi nghiệp khi chưa có gì trong đầu và trong tay, nhưng cũng không nên chờ mọi thứ hoàn hảo mới khởi nghiệp.
Vừa làm vừa bổ sung. Và hãy luôn học hỏi để tránh sai lầm của những người đi trước.
Sưu tầm