LP Group là một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ kinh doanh tin cậy nhất cho doanh nghiệp và doanh nhân tại Việt Nam. Các dịch vụ của LP Group tập trung vào tư vấn quản trị doanh nghiệp, tư vấn hoạt động đầu tư kinh doanh và phát triển các dự án hỗ trợ liên quan. Điểm nổi bật của LP Group là nghiệp vụ tư vấn xây dựng hệ thống chính sách và tư vấn xử lý khủng hoảng doanh nghiệp theo chuẩn dịch vụ quốc tế kết hợp am hiểu địa phương. Luật sư Nguyễn Văn Lộc là Chủ tịch của LP Group có bài chia sẻ dành riêng cho các bạn khởi nghiệp về Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi khởi nghiệp. Luật sư Nguyễn Văn Lộc hiện tại cũng đang công tác giảng dạy tại Học viện Đào Tạo và Hỗ trợ Khởi nghiệp YUP. Dưới đây là bài viết của Thầy.
Khởi nghiệp kinh doanh có thể xem là một bài toán kinh tế mà ở đó các doanh nhân phải đối mặt với nhiều thách thức để tìm kiếm đáp số lợi nhuận khi đầu tư vào các sản phẩm, dịch vụ, ý tưởng, mô hình mà họ đã ấp ủ hoặc sáng tạo. Đó cũng là thời kỳ khởi thuỷ gặp nhiều khó khăn mà lãnh đạo doanh nghiệp (DN) thường không ưu tiên cho những khoản đầu tư không sinh lời trước mắt, chẳng hạn như bảo hộ các tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT). Tuy vậy kinh doanh trong môi trường mạng và nền kinh tế số, một khi hàng hoá hay dịch vụ đã được đưa ra thị trường thì khả năng bị sao chép, đánh cắp, làm giả, lợi dụng danh tiếng, trục lợi là điều rất dễ xảy ra. DN khởi nghiệp thường sẽ không có đủ nguồn lực để theo đuổi các tranh chấp liên quan đến SHTT nếu như không nắm chắc bằng chứng sở hữu.
Việc bảo vệ các tài sản SHTT ngay từ giai đoạn khởi nghiệp không chỉ là tạo được hành lang pháp lý bảo vệ chính mình trước những hành vi gian lận, mà nó còn là một khoản đầu tư lâu dài giúp DN tạo lập giá trị lớn trong tương lai gần khi mà hầu hết nguồn lợi nhuận thu về được tính trên cơ sở giá trị của danh tiếng, chất lượng, uy tín của sản phẩm, dịch vụ cung cấp nhiều hơn là giá trị nguồn vốn hữu hình.
- Tài sản, quyền và đối tượng SHTT
Tài sản SHTT là những tài sản được tạo lập dựa trên sự sáng tạo bằng trí tuệ của con người. Ví dụ như máy móc có thể sản xuất hàng trăm lon bia mỗi ngày, nhưng công thức chế tạo ra một loại bia hay cách thức vận hành dây chuyền sản xuất đó, là một loai tài sản SHTT.
Tổ chức, cá nhân sáng tạo ra loại tài sản SHTT thì có quyền đối với tài sản đó. Quyền đối với tài sản SHTT bao gồm quyền nhân thân (những quyền gắn với cá nhân người sáng tạo như đặt tên tác phẩm, công bố ra công chúng, đứng tên tác phẩm…) và quyền tài sản (những quyền liên quan đến giá trị kinh tế như góp vốn, chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng, mua bán…).
SHTT được hiểu gồm ba nhóm chính: quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả (nhóm thứ nhất); quyền sở hữu công nghiệp (nhóm thứ hai); quyền đối với giống cây trồng (Nhóm thứ ba).
Đối với giới khởi nghiệp và DN nói chung, SHTT thường áp dụng nhiều cho nhóm thứ nhất và nhóm thứ hai. Nhóm thứ nhất bao gồm gồm “tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học” (quyền tác giả); “cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá” (quyền liên quan đến quyền tác giả). Nhóm thứ hai gồm “sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý”.
- Bảo hộ Quyền SHTT như thế nào khi khởi nghiệp?
Một là, điều đầu tiên và quan trọng nhất, đó là việc xác lập quyền đối với tài sản sở hữu trí tuệ.Tùy theo mỗi nhóm sản phẩm, dịch vụ mà DN xác định việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ của mình. Theo quy định hiện hành, quyền SHTT được xác lập thông qua các cơ sở sau đây:
- Nhóm quyền tác giả – Tài sản này không cần đăng ký cũng tự động được bảo hộ kể từ thời điểm sáng tạo và thể hiện dưới dạng vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố.Tuy nhiên, thực tế các chủ sở hữu nên thực hiện việc đăng ký vì khi có văn bằng sở hữu thì không cần phải chứng minh.Hay nói cách khác, khi không có văn bằng thì phải chứng minh mình sáng tạo ra tác phẩm đó (trích lục các tài liệu gốc ở thời điểm sáng tạo), nếu không chứng minh được thì bị mất quyền. Đối với chương trình máy tính hoặc các tác phẩm hội hoạ, mỹ thuật thì cần đăng ký ngay, tránh sao chép.
- Nhóm quyền liên quan – Không cần đăng ký cũng tự động được bảo hộ kể từ khi được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.
- Quyền sở hữu công nghiệp – Phải đăng ký mới được bảo hộ. Riêng nhãn hiệu nổi tiếng thì được bảo hộ trên cơ sở sử dụng (được nhiều người biết đến) mà không phụ thuộc vào việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đó hay chưa.
- Tên thương mại – Sử dụng hợp pháp tên thương mại thì được bảo hộ, không cần đăng ký. Khi thành lập doanh nghiệp thì tên doanh nghiệp đã được ghi nhận bảo hộ ở cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Bí mật kinh doanh – Không cần đăng ký, được bảo hộ khi có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí đó. Bí mật kinh doanh bị tiết lộ ra bên ngoài thì không được bảo hộ nữa.
Do vậy căn cứ vào các đối tượng và yêu cầu nêu trên, DN cần tiến hành xác lập quyền tương ứng để bảo hộ quyền SHTT.Đặc biệt, một đối tượng có thể được bảo hộ dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ một logo vừa có thể bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu (đăng ký ở Cục Sở hữu Trí tuệ) vừa được bảo hộ dưới dạng bản quyền tác giả (đăng ký ở Cục Bản quyền tác giả) mà không trùng lắp vì phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu và bản quyền tác giả là khác nhau.
Thứ hai là ý thức được phạm vi quyền của mình.DN cần ý thức được mình có những quyền gì đối với các tài sản SHTT. Cụ thể quyền nhân thân và quyền tài sản được đề cập ở trên, khi là chủ sở hữu các đối tượng của quyền SHTT, tổ chức và cá nhân có các quyền sau:
- Sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng được bảo hộ;
- Ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng được bảo hộ;
- Định đoạt đối tượng được bảo hộ (thương mại hoá thông qua góp vốn, chuyển nhượng, mua bán, cấp quyền sử dụng v.v…)
Ngoài việc ý thức được phạm vi quyền của mình thì cần xác định được hành vi nào là hành vi vi phạm quyền của mình. Đối với mỗi đối tượng SHTT thì có các hành vi vi phạm tương ứng, tuy nhiên về cơ bản thì có thể cụ thể hoá các hành vi tiêu biểu như sau:
- Sử dụng mà không được phép của chủ sở hữu
- Sử dụng mà gây nhầm lẫn với đối tượng được bảo hộ
- Sử dụng mà không trả thù lao
Thứ ba là bảo vệ quyền đã được xác lập.Dù có các văn bằng bảo hộ các đối tượng SHTT nhưng cũng khó tránh khỏi vĩnh viễn các hành vi vi phạm của bên thứ ba, do vậy DN cần biết cách bảo vệ quyền lợi của mình khi đã là chủ sở hữu của các đối tượng SHTT. Cụ thể:
- Quyền tự bảo vệ: Phản đối việc người khác sử dụng các đối tượng của mình ngay từ giai đoạn họ nộp đơn xin được cấp văn bằng bảo hộ hoặc là giai đoạn họ tiến hành kinh doanh (giới thiệu, quảng cáo….)
- Quyền yêu cầu người khác bảo vệ (yêu cầu các cơ quan nhà nước hoặc đơn vị chủ quan các trang mạng gỡ bỏ thông tin có khả năng ảnh hưởng đến chủ sở hữu)
- Quyền yêu cầu xử lý hành vi vi phạm thông qua các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự.
Tóm lại, có thể thấy rằng hiện nay các tranh chấp về SHTT không ngừng gia tăng, không chỉ trong giới khởi nghiệp mà cả trong các DN lâu năm bởi tầm quan trọng và lợi nhuận thu được từ các đối tượng SHTT. Do vậy, song hành với tầm nhìn chiến lược dài hạn về mô hình kinh doanh, DN cần phải đảm bảo các tài sản SHTT được bảo vệ xuyên suốt chiều dài phát triển của DN.
Tuy thời gian bảo hộ của các đối tượng SHTT thường kéo dài do đặc trưng của hai giai đoạn thẩm định hình thức và thẩm định nội dung, nhưng so với chiều dài của một thương hiệu hay tên tuổi của DN trong lòng người tiêu dùng thì thiết nghĩ vẫn còn rất ngắn. Và đặc biệt thời gian dài hay ngắn không còn quan trọng bằng việc giữ được hay làm mất đi công sức sáng tạo và gây dựng tài sản của DN trong thời gian dài.
Luật sư Nguyễn Văn Lộc – Chairman at LP Group.