Du nhập về Việt Nam từ tháng 3/2014, một chàng trai 8X Hà thành đã xây dựng thành công chuỗi 9 cửa hàng pizza ốc quế trên cả nước. Nhiều bạn trẻ ở các tỉnh xa đã gia nhập vào hệ thống của anh mà không mất một đồng phí nhượng quyền nào.

Tết Giáp Ngọ 2014, vợ chồng anh Nguyễn Chí Nghiêm còn dẫn con nhỏ đi ăn đồ ăn nhanh ở KFC thật thảnh thơi, ấy vậy mà ra tết, họ quyết định lên đường đưa chiếc bánh pizza ốc quế về Việt Nam, biến nó trở thành thương hiệu đồ ăn nhanh hiện đại do người Việt sáng lập chỉ trong vỏn vẹn vài tháng. “Đó cũng là chuyến đi khởi nguồn cho những tháng ngày long đong đến tận bây giờ”, anh Nghiêm chia sẻ.

pizza 1

Tư duy “nếu đã làm, phải làm có hệ thống”

Anh Nguyễn Chí Nghiêm (sinh năm 1984) và vợ đều là du học sinh ngành Hán ngữ thương mại, sau đó tốt nghiệp thạc sỹ tài chính tại Trung Quốc với tấm bằng xuất sắc. Sau khi ra trường, anh Nghiêm nhận làm quản lý cho một công ty có nhà máy đặt tại Quảng Châu (Trung Quốc). Ở đây, anh đã học hỏi cách tổ chức sản xuất và quản lý nhân sự của doanh nghiệp. Đặc biệt, ở anh đã bộc lộ khả năng làm kinh doanh qua óc quan sát tinh tế. Anh Nghiêm tâm sự: “Mình học được tại sao họ lại biến con người thành cái máy. Mình thấy một tháng có 30 ngày thì ngày nào cũng thấy hàng trăm người đến phỏng vấn và cứ cách 2-3 tháng lại có 50-70 đơn xin nghỉ việc. Nhưng doanh nghiệp không sợ mất nghề. Tất cả là một quy trình, mỗi người vào chỉ là một mắt xích”.

Sau đó, nhận thấy môi trường kinh doanh không phù hợp, anh Nghiêm ra ngoài làm phiên dịch. Thời gian tiếp các phái đoàn Việt Nam sang Trung Quốc làm việc, anh nhận được rất nhiều cơ hội vào làm trong nhà nước. Tuy nhiên, thời gian ấy anh lập gia đình và cơ duyên đưa anh đến với một công ty gia đình của một người bạn chuyên xuất khẩu cao su sang Trung Quốc từ năm 1990. Từ một người hay ngại ngùng, anh Nghiêm ngày càng ăn nói lưu loát, tư duy mạch lạc qua công việc. Tài đàm phán của anh nhanh chóng được bộc lộ, giúp công ty có nhiều ưu thế trong kinh doanh xuất khẩu cao su và bản thân cũng gặt hái được những thành công đáng ghi nhận.

Trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn, việc đi làm thuê với mức lương thưởng eo hẹp không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của gia đình và chuyện ăn học của hai con nhỏ, anh quyết định dừng công việc kinh doanh ở công ty xuất khẩu cao su để tập trung hết tâm sức vào việc dựng nghiệp. Anh tự nhủ, khi bắt tay làm bất cứ việc gì, phải làm có hệ thống, chứ không phải mở ra không có thu nhập thì đóng cửa.

Đầu năm 2014, anh Nghiêm được một người bạn giới thiệu về món pizza ốc quế đang rất “hot” ở nước ngoài. Nhận thấy cơ hội đã đến, vợ chồng anh quyết tâm khăn gói lên đường tìm cách đưa sản phẩm mới tinh này về Việt Nam, dù trước đó cả hai chưa từng học qua một lớp nấu ăn hay làm thương hiệu nào. Khí thế là thế, ngặt nỗi, nguồn tài chính lại eo hẹp vì vợ chồng anh chỉ tích cóp được khoảng 100 triệu đồng.

Khi nói chuyện với chị em trong nhà, mọi người đều e dè bởi thời buổi kinh tế khó khăn, nhìn các hàng ăn trên phố đều vắng khách. Nhưng với niềm tin mãnh liệt vào sản phẩm, vợ chồng anh đã thuyết phục được gia đình hùn vốn làm ăn. Với sự khảo sát và tính toán kỹ lưỡng, vợ chồng anh nắm trong tay ưu thế độc quyền về thiết bị và công nghệ làm bánh pizza ốc quế tiên tiến của một hãng tại Đài Loan. Với lợi thế này, trong thời gian nhất định, anh không ngại có người bắt chước hay vượt qua. Tuy nhiên bài toán làm thế nào để kinh doanh hiệu quả với điều kiện ngon, bổ, rẻ ở Việt Nam thực sự rất công phu.

Sau những đêm thức trắng mày mò ra công thức bánh pizza ốc quế, lên menu, quy trình quản lý nguyên liệu đầu vào, đầu ra, cách bảo quản thực phẩm và làm thương hiệu, vợ chồng anh Nghiêm khởi nghiệp từ cơ ngơi nhỏ bé 25m2 trên phố Bùi Thị Xuân với ba vị “kinh điển” là gà nấm, bò dứa và hải sản. Khi khách đến ăn, góp ý, anh chị tiếp tục nghiên cứu, dần dần menu của Pizza Cones có 7 vị. Anh Nghiêm cho biết, Pizza Cones sẽ có nhiều vị hơn nữa nhưng hiện nay vợ chồng anh đang tập trung phát triển hệ thống. Với ưu điểm lạ, độc, ngon, tiện và rẻ, những chiếc pizza ốc quế có giá 29.000 đồng được các thực khách, nhất là các bạn tuổi teen hưởng ứng mạnh mẽ, cho doanh thu hơn mong đợi.

Chỉ sau 46 ngày mở cửa hàng đầu tiên ở Bùi Thị Xuân nằm ngay gần trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu, vợ chồng anh đã mạnh dạn đầu tư cơ sở thứ hai ở Xuân Đỉnh (Hà Nội) và cơ sở thứ ba ở Hạ Long (Quảng Ninh). Ngày thứ 50, Pizza Cones Bách Khoa gia nhập hệ thống và cứ thế Pizza Cones xuất hiện ở nhiều nơi.  Thực tế, có hơn 30 người từ Bắc vào Nam đã liên lạc với anh, như: Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Vĩnh Yên, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Vinh, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bến Tre, An Giang, Cà Mau… gọi điện xin gia nhập hệ thống và nhanh chóng tạo nên cơn sốt ở một số nơi như Quảng Bình, Buôn Mê Thuột, Nha Trang,…

pizza 2

Chiến lược “đầu tư ít, thu hồi vốn nhanh”

Anh Nghiêm cho biết, theo pháp lý, thương hiệu phải hoạt động được 1 năm hiệu quả rồi mới được nhượng quyền và người tạo ra sản phẩm phải được hưởng lợi trên tất cả các cửa hàng. Tuy nhiên, món ăn của anh quá lạ nên anh không muốn đợi đến 1 năm sau sẽ có quá nhiều cửa hàng pizza ốc quế giống mình. Đó là lý do anh miễn phí nhượng quyền để giá trị thương hiệu được lan toả, đồng thời những người trẻ đam mê kinh doanh có thể khởi nghiệp cùng anh mà không cần phải xây dựng hệ thống.

“Khi mở nhà hàng ăn nhanh như Lotteria, Burgerking, hay cà phê hiện đại kiểu Urban Station, bạn cần rất nhiều vốn, nhưng khi gia nhập Pizza Cones, bạn có trong tay hơn 200-300 triệu đã mở được cửa hàng. Cửa hàng mình mở ra hơn 400 triệu, nhưng do mình phải đi xin nhượng quyền ở nước ngoài về, gồm dàn máy thiết bị. Nhưng đối với các bạn ấy mình không lấy phần của mình nữa. Mình không lấy lãi, chỉ giúp nhập máy móc về và cho mọi người dùng thương hiệu trong vòng 1 năm. Nếu trụ được mình thu phí sau.

Vì nhiều khi các bạn chọn địa điểm xa không bán được là chuyện bình thường. Những bạn trẻ Việt Nam, không phải ai cũng con đại gia để đầu tư lớn như vậy, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tập đoàn nước ngoài họ mới đầu tư dài hạn, nhìn về tương lai, còn mình nên đầu tư ít, thu hồi vốn nhanh.  Đấy là phương châm của mình. Mình đang tạo ra dự án rất vừa phải để các bạn mua máy móc về, dạy các bạn làm, trang trí, treo biển như của mình. Các bạn có thể làm đơn giản hơn, miễn là tông màu tương đồng. Khi có đủ đầy đủ thủ tục pháp lý, mình đã có mấy chục cửa hàng rồi”.

Anh Nghiêm kể, có hôm, một bạn sắp khai trương khu vui chơi ở khách sạn Mường Thanh (Quảng Trị) đọc được bài viết trên báo tuổi teen đã gọi điện hỏi han về chiếc pizza ốc quế gây sốt. “Hôm ấy, 22h30 mới về đến nhà, đợi các con ngủ mình mới tư vấn cho bạn ấy khoảng hơn nửa tiếng. 7h30 sáng hôm sau bạn gọi mình không để ý điện thoại. 10h30 bạn ấy cho biết đang trên đường ra Hà Nội và vào bếp học làm bánh luôn. Trong 2 ngày, bạn ấy về quê gấp rút chuẩn bị khai trương. Điều đó khiến mình rất vui”.

Doanh thu 2-3 triệu/ngày/cửa hàng

Hiện tại, các cửa hàng Pizza Cones của anh, cửa hàng nào nhỏ cũng cho doanh thu 2-3 triệu/ngày. Trước đây anh Nghiêm phải trông cửa hàng, một mình thu tiền, tự đi chợ mua các thứ. Nhưng sau khi đã xây dựng được hệ thống, anh không phải tự làm tất cả nữa. Sau này có nhiều vốn anh dự kiến sẽ nâng cấp lên để thành một chuỗi hoàn thiện.

Trả lời câu hỏi, tại sao anh bỏ việc để làm pizza ốc quế, anh Nghiêm cho biết vì ít nhất trong một vài tháng anh có lợi thế về độc quyền thì đương nhiên mọi người sẽ biết đến anh đầu tiên. “Mình có một tia hi vọng vì thế mình làm rất nhanh. Nếu chỉ chậm lại 1-2 tháng thôi, có thể anh Nghiêm A, Nghiêm B làm rồi chứ không phải mình. Còn trong cuộc đời này, không phải ai cũng chớp được cái mới tinh. Nhưng khi sản phẩm rộ lên, nó là cơn sóng mới và làm nhiều người giàu lên ở các nước. Nên là mình cố tóm lấy cơn sóng đấy để trở thành người đầu tiên ở Việt Nam.

Vì đi lên từ số vốn ít ỏi, từ không mà thành có, anh Nghiêm khuyên mọi người “chỉ nên mua chiếc áo vừa mặc”, dần dần nâng cấp lên. “Ví dụ khi mở Lotte, họ yêu cầu mặt bằng khoảng 100m chẳng hạn, mặt tiền trung tâm, một dàn bếp khoảng 500-700 triệu, 3-4 máy tính tiền, nhân viên chuẩn chỉ, tiền điện ước chừng 30 triệu/tháng, trong khi tiền điện của mình chỉ khoảng 3 triệu thôi. Như vậy, toàn bộ chi phí mình rút ngắn theo một mô hình nhỏ đi để kinh doanh hiệu quả. Mình nghĩ trong thời buổi kinh tế khó khăn này, rất nhiều người trả hoặc thanh lý cửa hàng, sức mua yếu. Dự kiến tình trạng này còn duy trì trong vài năm. Chỉ đầu tư ít thu hồi vốn nhanh mới tồn tại được. Đấy là cái mà mình tâm niệm”, anh Nghiêm chia sẻ.

Để mở được cả chuỗi cửa hàng trong thời gian ngắn, anh Nghiêm nói rằng bản thân may mắn vì “thuận vợ, thuận chồng”. Anh Nghiêm cho biết, chính vợ là người đốc thúc anh đưa pizza ốc quế về nước. Chị và hai con trai nhỏ là người đồng hành cùng anh trong mọi chuyến đi, xông vào bếp cùng anh học làm bánh.

Chia tay phóng viên, anh Nghiêm tiết lộ sắp tới anh chị sẽ cho ra mắt món mới, hứa hẹn sẽ gây “sốt” ngang với pizza ốc quế. “Phải liên tục nghĩ ra sản phẩm mới, như thế doanh nghiệp mới mạnh, có sức sống. Còn mô hình, bộ máy vẫn sinh lời. Khi một sản phẩm mới về, nó lại ào ạt đông khách lên, lại hốt bạc về. Khi nó nguội đi, mình đã có sản phẩm mới”, anh Nghiêm cho hay.

Sưu tầm

>> Bài viết hay về Khởi nghiệp

>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh

>> Khóa học Kích hoạt Năng lượng Thành công

>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *