Có một thực tế là, rất nhiều bạn trẻ Việt Nam không định hướng được tương lai, nghề nghiệp của chính bản thân mình.
Thi Anh Đào là Giám đốc điều hành Isobar Vietnam, thuộc Dentsu Aegis Network.
Năm 2009, Thi Anh Đào (24 tuổi) sáng lập Emerald Consulting. Năm 2015, Emerald sáp nhập vào Dentsu Aegis Network và ra mắt thương hiệu Isobar Vietnam từ tháng 04/2016.
Thi Anh Đào được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 30 đại diện đầu tiên trong danh sách Forbes 30U30. Năm 2016, cô là đại diện Việt Nam đầu tiên được tạp chí Campaign Asia-Pacific vinh danh là một trong 40 gương mặt Women to Watch của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Trong sự kiện ra mắt cuốn sách “Nhìn. Hỏi. Rồi, nhảy đi”, CEO Thi Anh Đào đã có những chia sẻ rất chân thành và thiết thực về những định hướng tương lai, nghề nghiệp cho các bạn trẻ. Trong đó, chị đặc biệt nhấn mạnh, thiệt thòi lớn nhất cho nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam, đặc biệt ở nông thôn là không được ai hỏi.
CEO Isobar cho biết, điều may mắn nhất của chị là ngay từ nhỏ đã được bố mẹ hỏi: “Con thích gì?” Trong khi nhiều phụ huynh bắt con đi học thêm để tránh điểm kém, chị được bố mẹ hỏi : “Con thích học thêm môn gì?”. Khi các phụ huynh bàn luận trường này điểm cao, tỷ lệ chọi bao nhiêu thì bố mẹ Anh Đào hỏi: “Con thích học ngành nào, trường nào? Thích học nghề gì? …”.
“Khi tôi hỏi những câu được bố mẹ hỏi từ khi còn rất nhỏ, có em học sinh đã bật khóc”, Anh Đào kể.
“Tôi quá bất ngờ khi nhận ra rằng, các em gần như chưa từng được ai hỏi về sở thích, tương lai của mình. Những câu hỏi vốn với tôi là đương nhiên. Nếu ngay cả tương lai của mình còn không biết, thì các em còn bàn luận gì đến việc hiện thực hóa bằng cách nào”, chị nói tiếp.
Nói về vấn đề định hướng trong tương lai, Thi Anh Đào nhấn mạnh việc lựa chọn ngành nghề mà một cá nhân gắn bó suốt đời lại không hề do cá nhân đó quyết định đang rất phổ biến trong giới trẻ. Tương lai cuộc sống của họ lại vì một ai đó.
“Tại sao ngay cả với một thế hệ đang được dán nhãn rằng chỉ biết sống cho chính mình, mà vẫn còn những câu chuyện “chưa từng được nghĩ cho mình?”, chị đặt câu hỏi.
Không ai có thể mang đến cho người khác điều mà mình không có
Theo CEO Isobar VN, chúng ta vốn sống trong một nền văn hóa chung mà ở đó, nghĩ cho chính mình là ích kỷ, lo cho chính mình trước khi lo cho người khác là sai. Nhưng chúng ta quên mất rằng, nếu một người ngay cả bản thân mình muốn gì, tương lai ra sao cũng không biết thì sao có thể tạo ra giá trị nào có ý nghĩa cho xã hội!
Một người không thể làm chủ chính mình thì làm thế nào để thuyết phục, lãnh đạo hay giúp đỡ những người khác. Một người không có năng lực nhìn thấu bản thân thì làm sao có thể nhìn được nhu cầu của người khác. Không ai có thể mang đến cho người khác điều mà mình không có. Vì thế, các bậc phụ huynh cũng như chúng ta, hãy nên đặt câu hỏi với chính mình và cho người khác.
Trong gần 10 năm giữ vai trò CEO, Thi Anh Đào đúc kết, điều thú vị khi nói chuyện với những người giỏi là họ có một năng lực xuất sắc hiếm có – năng lực đặt câu hỏi đúng. Thay vì hỏi người khác vì sao thành công, người giỏi hỏi về những yếu tố ảnh hưởng đến thành công.
Không có câu hỏi nào là không có câu trả lời. Nhưng những câu hỏi đi vào bản chất và giải quyết gốc rễ của vấn đề sẽ mang lại ý nghĩa hơn thay vì loay hoay tìm giải pháp ngắn hạn sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề một lần và mãi mãi.
Nhiều bạn trẻ VN không định hướng được chính tương lai của mình. Ảnh minh họa.
Béo nên không được vào đội tuyển học sinh giỏi
“Nếu bạn đánh giá tài năng của con cá thông qua khả năng leo cây thì mãi mã nó là kẻ thất bại”, Thi Anh Đào chia sẻ.
Chị tâm sự từng cảm thấy rất xấu hổ khi bị 4 điểm môn Thể Dục vì quá béo. Và cũng vì điểm 4 môn học đó nên chị từng bị loại khỏi danh sách đi thi học sinh giỏi Văn và Anh Văn cấp thành phố.
“Rõ ràng hai chuyện này không liên quan gì đến nhau. Bị điểm thấp Thể Dục không phải bản thân mình không chăm chỉ hay không học hành đàng hoàng mà vì tôi quá béo, không có thể chất qua bài thi môn Thể Dục.
Thực chất, Thể Dục vốn là môn giúp học sinh rèn luyện sức khỏe thay vì cản trở học sinh phát triển trong các lĩnh vực khác hay đả phá lòng tự tin của một đứa trẻ!”.
Từ câu chuyện của chính bản thân mình, nữ tướng Isobar VN cho rằng, chẳng ai yêu thích việc mình không giỏi cả, và sẽ chẳng có ai chọn điều mình không giỏi để phát triển cả. Vì vậy tại sao chúng ta lại phải để ý đến những điều đó, thay vì mỗi ngày tự hỏi và nhắc nhở mình rằng mình giỏi điều gì.
Như Bill Clinton hay Steve Jobs, họ tập trung vào thế mạnh của họ thay vì tập trung khắc phục những điểm yếu. “Nếu bạn là một người viết giỏi hơn nói, thì hãy trở thành người viết giỏi. Hãy tìm những vấn đề phức tạp nhất và diễn đạt chúng thành những câu chữ rõ ràng nhất thay vì dành hàng giờ chỉ để cố gắng diễn thuyết”, Thi Anh Đào chia sẻ.