“Môi trường Việt Nam là chỉ biết thân mình, lo cho mình, lợi dụng tận thu, kệ thiên hạ. Còn ở Mỹ, họ giáo dục trẻ về mục đích sống không phải vì tiền cho bản thân, mà vì giúp cho người khác và cả xã hội” – ông Tuấn Hà viết.
Từ điểm yếu của người Việt trẻ CEO Nam Đỗ từng chỉ ra: ‘Quá lười, sức khỏe yếu’ khi làm việc
Trong một bài viết trước đây thu hút được nhiều sự chú ý, một nhân vật có tiếng trong giới startup là ông Nam Đỗ – Founder và CEO của Không gia làm việc chung UP – đã từng chỉ nhiều điểm yếu của người Việt trẻ khi so sánh với lực lượng lao động trẻ trên thế giới.
Trước hết, nhiều người Việt trẻ làm việc rất ‘lười’. “Ở Silicon Valley, thời gian làm việc thông thường là 14 – 16 giờ/ngày, 7 ngày/tuần. Trong khi đó, các bạn Việt Nam, kể cả các bạn còn rất trẻ thì chỉ làm việc 7 giờ/ngày, 5 ngày/tuần, làm việc mới đến 6 – 7 giờ tối đã tính chuyện đi về, chưa kể thời gian ngủ trưa, nghỉ ngơi…”, ông Nam Đỗ nói
Một điểm yếu nữa được vị này chỉ ra sức khỏe giới trẻ Việt Nam còn rất yếu, không đáp ứng được chuẩn làm việc của thế giới. CEO của UP – người đã từng khởi nghiệp nhiều năm tại Silicon Valley – chỉ ra ví dụ ngay từ bản thân mình: “Tôi giờ 40 tuổi nhưng ít nhất tháng nào tôi cũng một lần làm thông 2 ngày, trước đây tôi trong 1 tuần ít nhất 1 lần làm thông 2 ngày. Tuy nhiên, các bạn 9x ở ta thường không theo được, đến ngày thứ 2 chỉ còn làm việc với 20% năng lực”
Như vậy, người Việt trẻ ‘lười’ và ‘yếu’ hơn hẳn thế hệ đồng trang lứa trên thế giới chính là quan điểm được CEO Nam Đỗ đưa ra. Câu hỏi được đặt ra giờ đây là tại sao lại như vậy?
Vì sao ‘quá lười, quá yếu’? Vì người Việt trẻ chỉ làm việc hoặc vì tiền, hoặc chỉ vì ‘xem có hợp sở thích không?’
Câu trả lời cho câu hỏi trên có thể được tìm thấy trong chia sẻ mới nhất của ông Hà Anh Tuấn (Tuấn Hà) – CEO Vinalink. “Nhưng hãy khoan trách bọn trẻ sớm ? Mà nếu có trách thì nên tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp!” – ông Tuấn Hà viết.
Khác với những công ty khởi nghiệp mà CEO Nam Đỗ từng vận hành trên đất Mỹ, Vinalink của CEO Tuấn Hà là một công ty ‘thuần’ Việt Nam và bộ máy nhân sự cũng hoàn toàn là người Việt Nam. Vì vậy, có lẽ ông Tuấn Hà cũng là người hiểu rõ những vấn đề mà lực lượng nhân sự trẻ Việt Nam đang gặp phải.
Một cách rất thẳng thắn, ông cho rằng lý do làm người Việt trẻ hay chán việc chính từ những mục đích làm việc vị kỷ tồn tại trong họ. “Nhiều người trẻ Việt Nam bây giờ chỉ làm việc vì một trong 2 mục đích, một là làm để lấy tiền và hai là làm để xem công việc này có đúng sở thích mình hay không” – ông Tuấn Hà viết.
Hai điều trên, tuyệt nhiên chỉ là những mục đích cá nhân chứ không có những ‘làm để cống hiến’ hay ‘làm vì đóng góp giá trị cho công ty, xã hội’. Sự vị kỷ này đã tác dụng ngược, khi nhiều lúc khiến cho chính những người trẻ cảm thấy ‘chán việc’ và làm việc không hết mình, tỏ ra ‘vừa lười, vừa yếu’, theo ông Tuấn Hà.
CEO Vinalink Tuấn Hà
Ví dụ, với những người làm vì tiền, người trẻ Việt sẽ được chia thành 2 nhóm. Thứ nhất là những người vốn ‘nhà đã có điều kiện’, không phải lo lắng về mặt tài chính, dẫn đến làm việc không hết mình và từ đó ‘lười là đương nhiên’.
Vị CEO Vinalink viết: “Với mục đích tiền thì họ lười là đương nhiên vì tiền họ đâu có thiếu, nhiều nhà có đủ điều kiện rồi nên họ chả cần mấy tiền , vì bố mẹ họ làm 14-17 tiếng cho họ rồi mà nên họ cần phải làm lắm làm gì?”
Nhóm thứ nhất chỉ là thiểu số, còn nhóm thứ hai, với những người vì đi làm chỉ vì tiền nên cảm thấy số tiền mình kiếm được luôn ít, mới chiếm đa số. Theo ông Tuấn Hà, thì những nhân sự này sẽ cảm thấy “chán công việc sớm vì họ luôn chỉ chăm chăm xem mình được bao nhiêu tiền, thay vì đã làm được những gì có ích”.
Còn với mục đích làm để xem ‘công việc này có hợp với sở thích của mình hay không’ thì chính tính ‘cả thèm chóng chán’ đang hại người Việt trẻ. Ông Tuấn Hà chỉ ra một tâm lý phổ biến mà nhiều người trẻ có là khó gắn bó với một công việc quá lâu, dễ thay đổi, dẫn tới không còn toàn tâm toàn ý cho công việc cũ:
“Chỗ nào làm lâu lâu một chút đều chán, đứa nào chả than là phải thay đổi không khí? Ăn mãi một món thì ai chả chán hả các bác? Trong công việc họ hay chán sớm vì việc nào cũng vất vả khó khăn và khó hoàn thành – vòng thoải mái của họ bé xíu nên họ chán sớm là đương nhiên”.
Môi trường Việt Nam mỗi người chỉ biết thân mình, môi trường Mỹ người trẻ làm việc vì ‘Bigdream’ cho xã hội
Vậy tại sao nhiều người Việt trẻ lại làm việc thiếu tầm nhìn, thiếu đam mê, nhiều khi chỉ vì tiền; trong khi giới trẻ nước ngoài thì làm việc vì lý tưởng đóng góp cho tổ chức, cho toàn xã hội.
Lý do lớn nhất được CEO Vinalink chỉ ra là đến từ chính nhận thức của người trẻ – thứ được tạo ra từ cách giáo dục của mỗi xã hội với con trẻ ngay từ nhỏ. Đưa ra một phép so sánh giữa Việt Nam và Mỹ, ông Tuấn Hà viết: “Môi trường của con người Việt Nam là chỉ biết thân mình, lo cho mình, lợi dụng tận thu – kệ thiên hạ chính là suy nghĩ của đại đa số người Việt”
“Còn ở Mỹ, họ giáo dục trẻ từ bé về mục đích sống không phải vì tiền cho bản thân và không phải sống vì cá nhân cái tôi, mà là sống phải vì mục đích giúp người khác và xã hội, hay nói chính xác hơn là xây dựng giá trị bản thân cao lên để đem lại giá trị ngày càng lớn hơn cho các mục đích chung của cộng đồng” – CEO Tuấn Hà viết.
Không gian làm việc tại Silicon Valley, Mỹ
Thực tế, ở Mỹ, là rất phổ biến khi thấy nhiều doanh nghiệp xây dựng riêng cho mình một ‘Bigdream’ – một sứ mệnh lớn, có giá trị nhân văn cao cả, cho cả công ty rồi truyền tải xuống cho từng nhân viên hiểu rõ.
Từng nhân viên, dù giữ vai trò nhỏ nhất, từ đó cũng sẽ thấm nhuần sứ mệnh của cả tổ chức mà đóng góp hết mình. Có một câu chuyện là khi Tổng thống Mỹ tới thăm NASA thì đã gặp một chị lao công và hỏi ‘chị đang làm công việc gì tại đây?’ Chị trả lời: “Thưa tổng thống tôi đang làm công việc đưa người lên mặt trăng sinh sống vào năm 2020!”.
Cuối cùng, những sự đóng góp hết mình này sẽ ‘vô tình’ làm người trẻ giàu lên. Đây chính điều đã xảy ra ở Sillicon Valey: “Đây là nơi sáng tạo ra trí tuệ cho nhân loại phát triển, mục đích của họ là vậy nên họ chạy đua thời gian để giúp cho xã hội phát triển nhanh. Giàu có là hậu quả của việc này chứ không phải là mục đích chính của họ” – CEO Tuấn Hà viết.