Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng nếu mỗi người đều có tinh thần doanh nhân, có khát vọng thoát khỏi đói nghèo, thì Việt Nam, chẳng bao lâu nữa, sẽ đứng vào hàng ngũ các nước tiên tiến trên thế giới.
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT từng chia sẻ, khát vọng thoát nghèo chính là động lực dẫn dắt ông không ngừng bước tới. Xuất phát từ sự coi thường của những sinh viên quốc tế khác đối với sinh viên Việt Nam là tiền đề để ngay từ khi còn trẻ ông đã nuôi khát vọng thoát nghèo và bắt đầu xây dựng một “đế chế” của riêng mình. Năm 1988, sau khi tốt nghiệp Phó tiến sĩ toán lý tại một trường đại học danh giá nhất Liên Xô (MGU), ông Bình cùng các cộng sự từ bỏ con đường nghiên cứu khoa học cơ bản để chuyển sang làm kinh tế, hy vọng mang lại sự giàu có cho bản thân và đất nước.
Ông Trương Gia Bình
Năm 1998, FPT đã có được vị trí tương đối trong nước, tuy nhiên, ông Bình không ngần ngại ở những dự án mới vươn tầm quốc tế với dự định dịch chuyển trọng tâm sang xuất khẩu phần mềm. Mục tiêu của ông là đưa sản phẩm của FPT sánh ngang với Google và Microsoft.
“Trận đánh” đầu tiên, FPT đã dễ dàng thắng bằng việc hợp đồng với hãng Winsoft của Canada. Giá trị hợp đồng chỉ vài chục nghìn USD nhưng khiến tất cả người FPT hào hứng. Hứng khởi đến nỗi, ngay lập tức FPT đã đến Ấn Độ, rồi sang cả Thung lũng Silicon (Mỹ) để chào mời. Tuy nhiên, sau đó vẫn chẳng có khách hàng nào.
Trong quá trình ra nước ngoài, FPT đã phải “trả giá” khi là người tiên phong. Hai năm đầu thực hiện hướng đi này, công ty không có được hợp đồng, đánh đâu thua đấy. FPT khi ấy thậm chí còn không biết làm phần mềm. Con đường mò mẫm của tập đoàn tại nước ngoài được xem là liều lĩnh. Nhưng chính nhờ những cọ xát, FPT đã bắt đầu tìm được cách để có được những hợp đồng quốc tế với các đối tác lớn như IBM, Microsoft để nuôi nấng và hiện thực hóa tham vọng Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về xuất khẩu phần mềm.
Những sản phẩm thành công của FPT software trên thế giới và những bước đi tiếp theo của ông Bình là xây dựng những trung tâm phát triển phối hợp với các tập đoàn toàn cầu làm ra sản phẩm cho thế giới, đưa FPT dẫn đầu trong các dịch vụ mới như mobility… Những thành tựu mà FPT đạt được ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, không chỉ là niềm tự hào mà còn chứng minh cho khát vọng đưa đất nước phát triển cường thịnh hơn. Trong đó, ông Bình như một người “lái thuyền” đưa FPT từ một công ty chuyên về công nghệ, phần mềm nay nổi danh trên toàn cầu.
Khát vọng đưa đất nước phát triển cường thịnh hơn
Là thế hệ doanh nhân F1 của Việt Nam, Trương Gia Bình là một tấm gương sáng về bản lĩnh khác biệt khi các thành tựu của FPT mang đậm dấu ấn của ông. Bằng đam mê của mình, ông thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm để sải bước đến con đường thành công. Ông Bình cũng lạc quan cho rằng, nếu mỗi người Việt đều có tinh thần doanh nhân, có khát vọng thoát khỏi đói nghèo, thì Việt Nam, chẳng bao lâu nữa, sẽ đứng vào hàng ngũ các nước tiên tiến trên thế giới.
Ông Bình cho rằng đối với khởi nghiệp, đầu tiên phải có tiền, chỉ nên làm những việc mà mình giỏi nhất và nên chọn cách khởi nghiệp đơn giản, tinh gọn, hiệu quả. Theo ông, không nên khởi nghiệp quy mô quá lớn, hãy làm theo kiểu từng bước qua sông, từ những thứ đơn giản. Nên bắt đầu ở khoảng 10.000 USD huy động từ bạn bè, gia đình là vừa nhất. Không phải lấy được quỹ lần đầu là tốt mà phải chứng minh chỉ số đo lường kết quả hoạt động (KPI) tăng trưởng trên 30% mỗi tháng thì mới có thể gọi được vốn tiếp.
“Với nguồn vốn đầu tư phong phú hiện nay, khởi nghiệp là điều không còn quá khó với bất kì ai trong chúng ta. Chỉ cần có ý tưởng sáng tạo và sự đam mê, các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng mạo hiểm cùng bạn”,ông Bình nhìn nhận.
Về vai trò của nhà đầu tư, người đứng đầu FPT cho rằng, họ có tác động mạnh mẽ tới sự sống còn của một dự án khởi nghiệp. Ông cũng khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư và hỗ trợ các startup. Ở FPT, ông Bình khẳng định luôn đi tìm các doanh nghiệp khởi nghiệp để đầu tư nếu đáp ứng ít nhất ba điều kiện. Thứ nhất, FPT chọn người chứ không hẳn là ý tưởng. Nghĩa là người khởi nghiệp đã làm gì, vấp ngã thế nào và đứng dậy ra sao. Thứ hai, ý tưởng của họ là gì. Thứ ba là ý tưởng đó đã thực hiện đến đâu và đã ai trả tiền cho sản phẩm này chưa.
“Vượt được ba trở ngại trên thì FPT đầu tư. Nhưng sau đó phải giữ được KPI tăng 3 lần sau một năm”, ông Bình chia sẻ.
Ông từng chia sẻ, điều mong muốn nhất là các doanh nhân trẻ đừng bao giờ thôi ước mơ và từ bỏ ước mơ của mình. “Con đường khởi nghiệp rất gian nan, bạn sẽ phải vấp ngã rất nhiều trước khi chạm đến thành công. Tuy nhiên, các bạn trẻ đang khởi nghiệp hoặc sắp khởi nghiệp hãy luôn giữ vững đam mê, lòng ham học hỏi và sự bình an trong chính mình”, ông nhắn nhủ và gửi thông điệp tới cộng đồng startup Việt Nam: “Trong người các bạn chảy dòng máu Việt Nam và các bạn đang có rất nhiều điều kiện, hãy dũng cảm và hành động”.
Ông Bình cũng lạc quan cho rằng, nếu mỗi người Việt đều có tinh thần doanh nhân, có khát vọng thoát khỏi đói nghèo, thì Việt Nam, chẳng bao lâu nữa, sẽ đứng vào hàng ngũ các nước tiên tiến trên thế giới.
Mới đây, FPT và Quỹ đầu tư dài hạn Dragon Capital Group đã ký thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (Vietnam Innovative Startup Accelerator, gọi tắt là VIISA). Đây là một trong những sáng kiến về khởi nghiệp quốc gia đầu tiên được thực thi.
Sưu tầm
>> Bài viết hay về Khởi nghiệp