Klout chính là một khởi nghiệp công nghệ (start-up) ra đời từ năm 2008 do Trần Quốc Bình sáng lập. Năm ngoái, công ty này đã được Lithium Technologies mua lại với giá trị thương vụ lên đến 200 triệu USD. 

tran-quoc-binh

Klout 50 là bảng xếp hạng tốp 50 thương hiệu có tầm ảnh hưởng và gắn kết với người dùng trên mạng xã hội nhất thế giới. Thứ tự của những thương hiệu lọt vào danh sách này được tính toán dựa trên báo cáo của Interbrand, kết hợp với các thuật toán độc quyền của Klout, hãng công nghệ cung cấp giải pháp quản lý trải nghiệm khách hàng trên internet dành cho doanh nghiệp.

Cách vận hành của Klout là sử dụng thuật toán để đưa ra thang điểm từ 1-100 nhằm đo lường khả năng ảnh hưởng xã hội của cá nhân hoặc tổ chức, thông qua các kênh như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube hay Google+. Theo Bình, khi người dùng chia sẻ một chủ đề nào đó lên các mạng xã hội và nhận được phản hồi hoặc bình luận, điều này gọi là sự ảnh hưởng. Thang điểm Klout càng cao nghĩa là người dùng đó càng có sức ảnh hưởng lan tỏa nhiều hơn trên môi trường trực tuyến.

Hãy lấy danh sách Klout 50 công bố vào năm ngoái làm ví dụ. Tuy Apple là thương hiệu có giá trị lớn nhất thế giới, nhưng tập đoàn này chỉ xếp thứ 28 trên bảng xếp hạng của Klout. Nhờ công cụ đo lường này, doanh nghiệp sẽ nhận ra rằng sức mạnh giá trị thương hiệu không đủ để quyết định sự thành công trên phương diện truyền thông xã hội. Bằng chứng là Microsoft, Google và McDonald’s đều thuộc tốp 10 của Klout 50, còn Apple thì bị tụt rất xa dù là thương hiệu danh giá nhất hành tinh.

Trở thành triệu phú nhờ đam mê công nghệ từ khi còn nhỏ, nhà đồng sáng lập Trần Quốc Bình của Klout cũng là một trường hợp tạo nên rất nhiều cảm hứng cho cộng đồng start-up. Sinh ra trong một gia đình đông anh em, Bình theo cả nhà đến Mỹ từ khi mới 1 tuổi. Ý chí vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn của cha mẹ nơi đất khách đã góp phần nung nấu tinh thần khởi nghiệp trong anh.

“Ngày đó, cha mẹ tôi ban ngày thì đi làm, đến tối lại thay nhau chăm sóc con cái và học tiếng Anh. Đặc biệt, mẹ là tấm gương khởi nghiệp đầu đời của tôi. Bà ấp ủ nhiều đam mê kinh doanh, từ bất động sản, thức ăn nhanh cho đến cả việc thành lập nhà máy linh kiện điện tử. Tinh thần lạc quan, dám mạo hiểm và đôi khi là ngây thơ của bà đã thấm vào máu của tôi”, anh kể lại.

Năm 1986, khi vừa tròn 13 tuổi, Bình nhận được một chiếc máy tính cá nhân IBM XT từ gia đình. Với món quà này, anh đã học cách lập trình và bắt đầu bị công nghệ mê hoặc. Khi vào Đại học California (Irvine), Bình chọn ngành khoa học máy tính và tiếp tục nghiên cứu, phát triển các dự án liên quan đến lĩnh vực này.

Trên quan điểm cá nhân, Trần Quốc Bình cho rằng dù từng khởi nghiệp không ít lần với công nghệ sau khi tốt nghiệp, nhưng phải đến Klout thì anh mới được nếm quả ngọt. “Cơ duyên đặc biệt giữa Joe và tôi đã giúp chúng tôi thành công với Klout, dù mỗi người đều từng có những start-up của riêng mình”, anh nói.

Klout không phải lần đầu tiên mà Bình cộng tác với Joe Fernandez. Năm 2004, cả hai từng cùng khởi nghiệp với Evalulogix, một start-up cung cấp giải pháp quản lý giáo dục cho các trường học ở Mỹ. Dự án không mấy thành công và 2 người tách ra để đeo đuổi những mục tiêu mới. Đến năm 2008, sau khi đã trải qua một số start-up của riêng họ, Bình và Joe gặp lại nhau.

“Khi đang dùng bữa với tôi, Joe kể rằng suốt mấy tháng rồi đã rất chật vật khi muốn giao tiếp vì phải phẫu thuật xương hàm. Vì thế suốt 3 tháng dưỡng bệnh, Joe hoạt động rất tích cực trên Facebook và Twitter. Và ý tưởng lóe lên là tại sao không xây dựng một hệ thống đánh giá tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội cho mọi người? Tôi chỉ mất 30 giây để biết mình sẽ nghỉ công việc lúc đó rồi cùng Joe thành lập Klout”, Bình chia sẻ.

Quyết định nhanh chóng này của Bình dẫn anh đến thành công lớn nhất trong sự nghiệp, tính đến thời điểm hiện tại. Nhưng đó cũng là một quyết định mạo hiểm. Năm 2008 là thời điểm khởi đầu của cơn suy thoái kinh tế tồi tệ nhất nước Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua. Chính Trần Quốc Bình cũng phải thừa nhận rằng khi đó, anh có một công việc ổn định đã là rất may mắn. Nhưng cuối cùng, trực giác và niềm đam mê tự khởi nghiệp trong anh đã chiến thắng lý trí.

Klout thông dụng đến nỗi vào năm 2011, hai dịch vụ tài chính có trụ sở ở New York là BankSimple và Movenbank đã lên kế hoạch cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng cá nhân dựa trên chỉ số Klout của họ. Thậm chí, chỉ số này còn được một số công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và internet dùng như tiêu chí tuyển dụng. Đơn cử như hãng điện toán đám mây nổi tiếng Salesforce yêu cầu ứng viên cho vị trí cấp quản lý phải có chỉ số Klout từ 35 điểm trở lên. Hiệu ứng xã hội mà chỉ số Klout tạo ra được cũng là một lý do quan trọng dẫn đến thương vụ 200 triệu USD nói trên.

Bốn tháng sau khi Klout được mua lại, Bình đã rời khỏi công ty này để tiếp tục với những dự án mới. Tại Mỹ, anh cùng bạn bè đẩy mạnh phát triển chuỗi ẩm thực nhượng quyền The Halal Guys, hiện đã mở rộng đến hơn 200 địa điểm. Ngoài ra, Bình còn đang lên kế hoạch cho một quỹ hỗ trợ khởi nghiệp với tổng giá trị giải ngân có thể lên đến 10 triệu USD, tập trung dành cho các start-up có tham vọng và tiềm năng tại Việt Nam.

“Nhiều người Việt thành công ở Thung lũng Silicon rất muốn Việt Nam ngày càng phát triển. Vấn đề của họ là không biết bắt đầu thế nào. Tôi thường xuyên về Việt Nam trong 5 năm qua, nên gặp được nhiều bạn trẻ có tài và khao khát. Tôi muốn giúp hiện thực hóa những giấc mơ đó. Quỹ này, nếu được thành lập, chắc chắn sẽ là một cánh tay nối dài mới giữa Thung lũng Silicon và cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam”, Bình kỳ vọng.

Sưu tầm

>> Bài viết hay về Khởi nghiệp

>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh

>> Khóa học Kích hoạt Năng lượng Thành công

>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *